Để thực hiện mục tiêu trên, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương đến từng nhà vận động học sinh đến trường; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chào đón năm học mới.
Các thầy, cô giáo Trường THCS Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) mang sách đến từng nhà, vận động học sinh đến trường.
Đến từng nhà, rà từng bản, vận động học sinh đến lớp
Tranh thủ những ngày nghỉ hè cuối cùng, các thầy, cô giáo Trường Trung học Cơ sở Thuận (xã Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa) đang gấp rút phối hợp với Đồn Biên phòng Thuận và chính quyền xã thành lập Ban vận động học sinh, đến từng bản làng, gõ cửa từng nhà để vận động học sinh đến trường. Theo chân các thầy cô nơi đây, chúng tôi mới hiểu thấu những khó khăn, vất vả và nỗ lực không ngừng để duy trì chất lượng dạy học vùng biên giới này. Không quản ngại khó khăn, vất vả, mưa nắng, ngày đêm, các thầy cô vẫn bám trụ bản làng, nhiệt huyết với nghề vì mục tiêu chung là sự nghiệp trồng người cao cả. Trường có 306 học sinh ở các khối lớp, trong đó có đến 99% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều. Cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhờ làm tốt công tác vận động học sinh đến trường, những năm gần đây, tỷ lệ vận động chuyên cần học sinh của trường luôn đạt 98%.
Theo thầy Nguyễn Đức Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thuận, công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến trường trong dịp đầu năm học luôn được trường ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt cao. Quá trình giảng dạy, các giáo viên của trường luôn theo sát, quan tâm, hỗ trợ kịp thời những học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học, thông qua các suất học bổng và kêu gọi, xã hội hóa hỗ trợ dụng cụ sách vở… Các giáo viên kịp thời tuyên truyền, vận động đến phụ huynh học sinh về ích lợi của sự nghiệp học hành, qua đó góp phần hạn chế nguy cơ bỏ học.
Ông Pả Ta Nga (thôn Thuận 5, xã Thuận) cho biết, được các thầy cô đến tận nhà tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa của việc học, gia đình hiểu được tầm quan trọng của việc cho các cháu đến trường. Những ngày qua, gia đình đã chuẩn bị cho cháu sách vở để bước vào năm học mới. Tôi mong rằng cháu đi học sẽ tiếp thu kiến thức, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình trong tương lai.
Các giáo viên Trường Mầm non xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa trang trí lại lớp học chuẩn bị đón trẻ bước vào năm học mới 2023-2024.
Những ngày qua, các giáo viên Trường Mầm non xã Thanh (huyện Hướng Hóa) tất bật với công tác vận động phụ huynh cho trẻ trong độ tuổi đến trường. Cô Dương Thị Như Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh cho hay, trường đã cắt cử giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà học sinh trong độ tuổi đến trường để vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp. Sau khi lắng nghe, hầu hết các phụ huynh cam kết cho trẻ đi học đúng độ tuổi. Bên cạnh đó, nhà trường đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí lớp học với nỗ lực thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao trong năm học 2023 - 2024.
Cùng các giáo viên của Trường Mầm non xã Thanh, chúng tôi có mặt tại nhà chị Hồ Thị Điềng (sinh năm 1997, thôn A Ho, xã Thanh). Chị tâm sự, gia đình có 2 con, một cháu 7 tuổi và một cháu gần 3 tuổi. Do cháu thứ hai còn nhỏ, lúc đầu, chị chưa có ý định cho cháu đi học. Được các cô giáo tuyên truyền, chị đã hiểu hơn về việc cho con đi học khi đúng độ tuổi để có môi trường giáo dục tốt nhất. Chị sẽ cho cháu đi học vào đầu năm học mới sắp tới.
Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Quảng Trị xác định mục tiêu duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở, xóa mù chữ và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập bậc Trung học giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, ngành nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở, làm tốt công tác huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số học sinh, công tác vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Với phương châm “Không để học sinh nào bỏ học, không đến trường được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”, các trường học trên địa bàn Quảng Trị đã kịp thời kêu gọi hỗ trợ, xã hội hóa để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục học tập.
Tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất
Các giáo viên Trường Trung học cơ sở Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa dọn dẹp vệ sinh lớp học để chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới 2023-2024.
Song song với việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút các khâu cuối cùng chuẩn bị cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng lớp học để đón học sinh trở lại trường trong năm học mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, Phòng tích cực chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể huy động tối đa trẻ đến lớp. Phòng đang rà soát lại hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học mới; tổ chức các lớp tập huấn trong dịp hè để nâng cao lực cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Tại Trường Mầm non Tuổi Hoa (thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ), các giáo viên đang gấp rút đóng gói dụng cụ, đồ dùng dạy học, tài liệu, sổ sách để chuyển sang ngôi trường mới được xây dựng cách đó không xa. Ngôi trường được đầu tư hơn 17 tỷ đồng với đủ phòng học, trang thiết bị dạy học thiết yếu cho giáo viên và học sinh. Công tác dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng lớp học tại ngôi trường mới được đội ngũ giáo viên của trường tích cực thực hiện trong niềm vui hân hoan.
Các giáo viên Trường Mầm non Tuổi hoa, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ gói gém đồ dùng học tập để chuyển sang trường học mới được xây dựng.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa cho biết: Trong năm học mới, trường được chuyển đến địa điểm mới trên diện tích xây dựng hơn 10.000m2, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 17 tỷ đồng bao gồm đầy đủ tất cả các hạng mục. Để chuẩn bị đón năm học mới, trường đã huy động đội ngũ giáo viên chuẩn bị chuyển các trang thiết bị dạy và học từ trường cũ sang trường mới; dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng phòng học chuẩn bị đón trẻ. Đây là niềm vui lớn đối với bà con xã Thanh An khi công trình được đưa vào hoạt động, các em học sinh sẽ được học tập trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 399 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong năm học 2023 - 2024, tỉnh có 178.030 học sinh, tăng 2.179 em so với năm học trước. Nhân dịp năm học mới 2023 - 2024, để hỗ trợ học sinh các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi vận động và trao tặng 18 tủ sách cho ba huyện Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh. Mỗi tủ có 120 bộ sách giáo khoa của học sinh và 8 bộ sách giảng dạy của giáo viên; trao tặng 1.350 bộ sách cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Theo bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, để chuẩn bị tất cả các điều kiện cho năm học mới, Sở đã ban hành khung chương trình và kế hoạch năm học; sắp xếp, bố trí giáo viên đảm bảo, hài hòa, hợp lý. Các ngành học, cấp học của các địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện để triển khai nhiệm vụ năm học mới. Ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên tiếp cận những nội dung mới, đặc biệt những nội dung dạy học đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Sở đang phối hợp với các đơn vị nhà xuất bản thực hiện cung ứng kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trên địa bàn; kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa, các suất học bổng cho học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn…
Theo TTXVN