Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ nông nghiệp phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ giai đoạn 2025 - 2027
Theo Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang Trần Thanh Tuyến, giai đoạn 2023 - 2025, với sự quan tâm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên, trung tâm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Đơn vị đã thực hiện công tác kiểm định, lấy mẫu, thử nghiệm giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật. Qua đăng ký của khách hàng, đã kiểm định được 2.036ha, lấy mẫu 384 mẫu; tiếp nhận 556 mẫu thử nghiệm giống cây trồng. Thực hiện các dịch vụ về lấy mẫu, kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, chất lượng nông lâm sản, thủy sản và muối; xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.
Đồng thời, trung tâm đã cung cấp dịch vụ kỹ thuật, huấn luyện nghiệp vụ về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và các dịch vụ xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản và muối. Giai đoạn 2023 - 2025, đơn vị đã nhận 42 hợp đồng tư vấn, gồm: Tư vấn hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm, mã số vùng trồng, mã số đóng gói, mã số doanh nghiệp chế biến, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp và một số nội dung liên quan đến phát triển sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, đã thực hiện sản xuất - kinh doanh nấm đông trùng hạ thảo tươi 2.050 hộp, nấm sấy thăng hoa 2.975gram và cấy 800 phôi nấm chai thủy tinh; thực hiện công tác kiểm định, lấy mẫu thử nghiệm và sản xuất thành phẩm lúa giống OM5451 và OM18, từ hợp đồng nhượng quyền sử dụng giống lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Trung tâm cũng sản xuất 4.104 tấn lúa giống OM5451 và OM18 để cung cấp cho khách hàng.
Trong các nhiệm vụ chuyên môn khác, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang đã tham mưu cho Sở NN&PTNT thành lập Tổ tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển ngành hoa, cây cảnh tỉnh An Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, cũng xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng lúa giống đạt tiêu chuẩn, phục vụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh An Giang. Tích cực tham gia xây dựng vùng tập trung sản xuất lúa giống xác nhận trên địa bàn tỉnh, sử dụng cơ giới hóa (thiết bị sạ cụm) và công nghệ sau thu hoạch, gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện Châu Thành và Tri Tôn.
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2025 - 2027, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang phấn đấu kiểm định 2.500ha ruộng lúa giống, lấy mẫu 300 mẫu hạt giống và kiểm nghiệm 300 mẫu. Dự kiến, đơn vị nhận 50 hợp đồng tư vấn, gồm: Tư vấn hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm, mã số vùng trồng, mã số đóng gói, mã số doanh nghiệp chế biến, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp và các nội dung liên quan đến phát triển sản phẩm nông nghiệp. Dự kiến sản xuất và kinh doanh 2.000 hộp nấm tươi, 1.500gram nấm sấy thăng hoa và 500 phôi nấm chai các loại; kinh doanh 2.000 tấn lúa giống các loại.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, trung tâm sẽ tăng cường phối hợp các đơn vị trong ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, như: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh An Giang, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu rộng rãi các hoạt động của trung tâm thông qua báo chí, các buổi tập huấn, hội thảo và hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối thêm khách hàng. Cán bộ, nhân viên trong đơn vị chủ động tìm kiếm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng tận tình và tạo điều kiện thuận lợi giúp họ sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đạt chất lượng và năng suất cao.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2025 - 2027. Cụ thể, cần tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, mở rộng thị trường dịch vụ nông nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tốt nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, quan tâm thực hiện mục tiêu phát triển sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Phát triển đa dạng các dịch vụ trên các lĩnh vực cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi, thủy sản để tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong tương lai…
MINH QUÂN