Nâng cao đề kháng chống dịch

06/12/2021 - 07:28

 - Sức đề kháng là “chìa khóa vàng” bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19 bằng các biện pháp phòng vệ bên ngoài, như: Đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân… thì nâng cao sức đề kháng trực tiếp giúp chống chọi lại những căn bệnh từ virus, vi khuẩn là rất quan trọng. Sức đề kháng chính là “thành trì” bảo vệ sức khỏe chống lại mọi sự tấn công từ các tác nhân bên ngoài.

Ai cũng có thể là F0

Dịch COVID-19 được xếp loại bệnh truyền nhiễm nhóm A (cực kỳ nguy hiểm), gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của con người trên khắp thế giới. Việc xuất hiện nhiều biến thể mới trong khi vaccine phòng COVID-19 tiêm mũi 2 chưa được phủ rộng toàn dân, đang tạo áp lực lên hệ thống y tế và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, đáng mừng là trong số những F0 hiện nay, tỷ lệ người không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, trung bình chiếm cao. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của y tế thì ý thức phòng, chống dịch của từng cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Ai cũng có thể trở thành F0, vì vậy cần có sự chuẩn bị để chủ động phòng bệnh, thay vì đợi đến lúc phải chống chọi với virus trong cơ thể.

Theo Sở Y tế An Giang, người dân cần nâng cao thể trạng và tăng cường đề kháng cho hệ hô hấp, chủ động bảo vệ bản thân. Trong đó, yếu tố thực dưỡng, bổ sung các chất hỗ trợ cùng chế độ tập luyện hợp lý nhằm “chữa bệnh từ gốc”, miễn dịch chủ động. Sức đề kháng sinh học được hình thành từ lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể dục - thể thao, cân bằng cuộc sống, tiêm chủng phòng ngừa… Sức đề kháng tinh thần, được hình thành từ quá trình sống tích cực, hiểu được giá trị cuộc sống để có sự điều chỉnh phù hợp. Nhất là khi không may nhiễm bệnh, chính đề kháng tinh thần sẽ giúp F0 vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tăng sức đề kháng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, với những người là F1, F0 cần uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày. Lưu ý uống từ từ, chia đều trong ngày; tránh các loại thức uống có gas, đồ uống có cồn… F1, F0 cần xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe (khoảng 30 phút/ngày). Duy trì sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc 7-8 giờ/ngày, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc. Giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ về những điều tích cực, tránh lo lắng thái quá.

BS Lê Minh Uy (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang) cho biết: “Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị, là giải pháp nâng cao đề kháng và miễn dịch của cơ thể. Giải pháp này giúp công tác phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng và miễn dịch phòng bệnh COVID-19, như: Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật. Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần. Nên ăn rau, quả từ 400-600gr/ngày/người trưởng thành để cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ”.

Tập thể dục nâng cao sức khỏe cho người dân khu cách ly

Theo ông Uy, vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch, gồm: Vitamin A, C, D, E và chất khoáng, như: Sắt, kẽm, selen… Sử dụng các loại thực phẩm có kháng sinh tự nhiên và tác dụng phòng ngừa virus, như: Hành, tỏi, sả, lá mơ, tía tô, kinh giới, gừng, bạc hà, rau thơm, rau húng…

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà bông, nước sát khuẩn, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, vệ sinh đường hô hấp trên sạch sẽ bằng nước súc miệng, hoặc nước muối sinh lý. Không tập trung đông người khi không cần thiết. Khi hắt hơi, sổ mũi, ho cần che miệng bằng tay hoặc dùng khăn giấy sau đó vứt vào sọt rác. Thường xuyên đeo khẩu trang đúng kỹ thuật khi ra ngoài, đến chỗ đông người, đi tàu xe, tiếp xúc người khác…

Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, bởi một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người được tiêm 1 mũi vaccine cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện tốt thông điệp “5K”. Nguyên nhân, do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ 1 tháng trở lên thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo loại vaccine. Người đã được tiêm vaccine COVID-19 cần ý thức tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó có thông điệp “5K”.

HẠNH CHÂU