Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động

01/02/2018 - 01:29

 - Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam triển khai từ năm 2013 nhằm nâng cao nhận thức của người lao động (NLĐ), coi học tập, nâng cao trình độ là điều kiện để NLĐ có tri thức, văn hóa, việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Các cấp Công đoàn (CĐ) đã phối hợp chính quyền và các cơ sở giáo dục tổ chức dạy bổ túc văn hóa, nghề phổ thông và liên kết mở các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học theo hình thức vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, tại chức. Tại cơ sở, CĐ và lãnh đạo đơn vị tổ chức các cuộc thi tay nghề, thợ giỏi, nâng bậc thợ; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học… Từ năm 2013 đến nay, có trên 100.000 lượt đoàn viên và NLĐ được học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Để đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo tại các cấp CĐ, LĐLĐ tỉnh tiến hành khảo sát, điều tra thông qua biểu mẫu thống kê về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 70,69% NLĐ đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 46,30% NLĐ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng đến trên đại học.

Các cấp CĐ tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức phong phú như: qua hệ thống loa truyền thông nội bộ, các cuộc thi tay nghề, qua các buổi tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt định kỳ của cơ quan, đơn vị hoặc lồng ghép với quá trình thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Điển hình là Công ty Cổ phần Điện nước An Giang vận động 100% công nhân tham gia tập huấn, sát hạch chuyên môn hàng năm để nâng bậc an toàn trong LĐ; Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, Công ty Cổ phần Chế biến XNK thủy sản Hòa Phát, Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang vận động trên 1.000 lượt NLĐ tham gia các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi.

Hàng năm, các cấp CĐ phối hợp người sử dụng LĐ tổ chức hội nghị để đối thoại trao đổi trực tiếp nhằm tăng cường sự hiểu biết và xây dựng quan hệ LĐ tại nơi làm việc. Có trên 51% các buổi đối thoại đã đưa nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho NLĐ vào nội dung thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị.Có 64 doanh nghiệp đưa nội dung nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ vào Thỏa ước LĐ tập thể thông qua việc tranh thủ thỏa thuận, thương lượng, đàm phán.

Định kỳ “Tháng Công nhân” hàng năm, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức đối thoại giữa NLĐ với lãnh đạo UBND tỉnh. Tại mỗi buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận và giải trình trên 100 lượt ý kiến, kiến nghị trực tiếp của NLĐ xoay quanh các vấn đề: chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc, tiền lương, tiền thưởng, nhà trẻ, nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao cho NLĐ ở các khu công nghiệp...

Vấn đề nâng cao trình độ học vấn, tay nghề được đặc biệt quan tâm do liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập của NLĐ. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa công nhân LĐ đối với lãnh đạo địa phương và là động lực để NLĐ an tâm làm việc.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, những năm qua, NLĐ tích cực nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đã giải quyết 3 vấn đề: chất lượng đào tạo, việc làm ổn định, doanh nghiệp có nguồn nhân lực tay nghề cao, đồng thời nâng cao hiểu biết về pháp luật LĐ, an toàn LĐ.

Song song với chủ động học tập, nghiên cứu, phong trào thi đua do CĐ phát động thúc đẩy cá nhân học tập gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ, ngày càng có nhiều điển hình tốt, cách làm sáng tạo được áp dụng và nhân rộng. Đây là chương trình thiết thực, gắn liền với quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, giúp họ có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Vì vậy, chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ” sẽ tiếp tục được triển khai, nâng chất trong các năm tiếp theo.

Mỹ Hạnh