Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản

06/04/2023 - 05:44

 - Nhờ duy trì tốt hoạt động thả cá kết hợp tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm khai thác thủy sản, An Giang đang góp phần bổ sung, phục hồi nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm. Để đạt hiệu quả cao hơn, đòi hỏi sự chung tay cùng ý thức của cả cộng đồng.

Chung tay hành động

ĐBSCL từng được biết đến là vựa cá tự nhiên khổng lồ, từng nuôi sống bao thế hệ cư dân miền Tây từ thời mở đất. Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu dùng lớn, việc khai thác mật độ dày, trong khi hoạt động tái tạo chưa được quan tâm đúng mức thì tất yếu nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhiều loài thủy sản bản địa, có giá trị của ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ suy giảm hoặc đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, như: Cá tra dầu, cá trà sóc, cá còm, cá he vàng, cá ét mọi, cá hô...

Thực trạng này đòi hỏi các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cùng tham gia hoạt động tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến tất cả các tầng lớp nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao quyền đăng cai tổ chức lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp khu vực cho TP. Cần Thơ

Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang luôn chủ động, đi đầu trong công tác này. Sau khi tổ chức thành công nhiều đợt thả cá quy mô cấp tỉnh, ngày 10/9/2022 (dịp rằm tháng 8 âm lịch), lần đầu tiên An Giang đăng cai, tổ chức thành công lễ thả cá quy mô cấp vùng tại ngã ba sông Hậu - nơi tiếp giáp tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ.

Từ sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, sự ủng hộ tích cực của hơn 700 tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử, người dân trong và ngoài tỉnh An Giang, hơn 600.000 con cá giống của 16 loài thủy sản đã được thả xuống sông Hậu. Trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm, loài bản địa có giá trị kinh tế, như: Cá hô, vồ cờ, tra dầu, ét mọi, mè hôi, thát lát cườm, chạch lấu, cá cóc, cá hú, cá chày, cá chép, bông lau, bống tượng, vồ đém…

Từ “mở hàng” thành công của An Giang, lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp trên sông Hậu sẽ được luân phiên tổ chức hàng năm. Dự kiến năm 2023, UBND TP. Cần Thơ sẽ đăng cai tổ chức vào dịp rằm tháng 7 (âm lịch). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Thanh Vân cho biết, sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan trong tỉnh tham gia tích cực lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp khu vực này.

Phát huy trách nhiệm địa phương

Theo Sở NN&PTNT, tính từ năm 2012 đến nay, An Giang đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của các ngành, các cấp cùng 3.635 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các tín đồ tôn giáo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,5 tỷ đồng (gồm tiền mặt và cá giống các loại), giúp thả tái tạo trên 164 tấn và hơn 4 triệu con cá giống về tự nhiên. “Nhiều năm qua, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được duy trì và triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần bổ sung, phục hồi nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm” - bà Võ Thị Thanh Vân thông tin.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này và từng bước hướng hoạt động thả cá đi vào nền nếp, phù hợp quy định, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là tác hại của việc sử dụng xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Hiện nay, đang chuẩn bị vào mùa mưa, là mùa nhiều loài cá sinh sản, các địa phương vận động người dân không khai thác thủy sản vào mùa sinh sản, cũng như thời điểm thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa hoạt động này.

“Vào các dịp cao điểm, như: Đưa ông Táo, các ngày rằm lớn (tháng giêng, tháng 7, tháng 10), lễ Phật đản, lễ Vu Lan… cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tăng ni, phật tử và người dân về danh mục loài thủy sản khuyến khích và không khuyến khích thả phóng sinh; đảm bảo các loài thủy sản sau khi thả thích nghi, phù hợp với thủy vực tự nhiên ở địa phương. Trong đó, ưu tiên thả tái tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa, đặc hữu của tỉnh” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Thanh Vân lưu ý.

NGÔ CHUẨN