Nâng cao ý thức người dân phòng, chống sốt xuất huyết

08/09/2023 - 14:46

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm tới ngày 6/9, toàn tỉnh ghi nhận 538 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó, các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc là thành phố Từ Sơn (321 ca), huyện Lương Tài (53 ca)...

Nhân viên y tế lấy mẫu xác định loại muỗi gây bệnh tại xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Toàn tỉnh ghi nhận 7 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động; có 3 ổ dịch lớn là tại khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn (252 ca mắc, 218 trường hợp đã khỏi bệnh); tại thôn Ngọc Trì, xã Bình Định, huyện Lương Tài (38 ca mắc) và khu phố Yên Lã, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn (19 ca mắc). Các ổ dịch khác quy mô dưới 10 ca mắc.

Bác sĩ Đàm Thận Hiển, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn đánh giá, ổ dịch tại khu phố Dương Lôi khá phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Ngay khi ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên được ghi nhận, Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn điều tra, giám sát dịch tễ tại ổ dịch; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Đơn vị phối hợp cùng phường Tân Hồng thành lập 11 tổ cộng đồng phòng, chống sốt xuất huyết; triển khai nhiều đợt cao điểm tuyên truyền và vệ sinh môi trường đến từng hộ dân, phun hóa chất diệt muỗi, trong đó ngày 24 - 25/7 phun thuốc diệt muỗi toàn khu phố song vẫn chưa xử lý triệt để được ổ dịch.

Mặc dù được khống chế nhưng đây vẫn là ổ dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nguyên nhân tình trạng trên do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi, bọ gậy sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều người dân đi - về giữa Bắc Ninh và Hà Nội - địa phương đang là điểm nóng của cả nước về sốt xuất huyết. Đặc biệt ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của một bộ phận người dân chưa cao.

Thực tế, cán bộ, nhân viên y tế khi giám sát trực tiếp tại khu phố Dương Lôi ghi nhận, nhiều gia đình thiết kế tiểu cảnh non bộ, bình hoa cắm cành lộc… Đây là môi trường lý tưởng cho muỗi đẻ trứng. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn thả cá vào bể để diệt loăng quăng, thau rửa bình hoa thường xuyên sau 3 ngày nhưng nhiều gia đình không thực hiện.

Qua nghiên cứu véc-tơ truyền dịch, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Khắc Từ cho biết: Kết quả giám sát phát hiện loài muỗi gây sốt xuất huyết ở khu phố Dương Lôi là Aedes Aegypti - loài muỗi được coi là “hiếu chiến”, rất phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, để xử lý dứt điểm một ổ dịch sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát hiệu quả véc-tơ truyền bệnh, diệt các ổ bọ gậy. Qua đó, xử lý được quá trình sinh sản của muỗi, ngăn không cho muỗi phát triển.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Bắc Ninh là tỉnh có vị trí giao thông thuận lợi, thông thương lớn, nhiều khu công nghiệp, di biến động dân cư lớn, đặc biệt thời gian qua, số sinh viên, người lao động mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội trở về điều trị ở các địa phương nhiều… Vì vậy, nguy cơ ca bệnh sốt xuất huyết xâm nhập, gây bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Một số người dân ý thức phòng, chống dịch chưa cao nên chưa giải quyết dứt điểm được véc-tơ truyền bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh nhưng không khai báo…làm cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết gặp rất nhiều khó khăn.

Nhân viên y tế tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Để tiếp tục kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, nhất là sốt xuất huyết, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tăng cường hệ thống giám sát tại tuyến và cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca mắc; tăng cường giám sát véc-tơ, chú trọng ở ổ dịch, ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt muỗi, lăng quăng, giải quyết triệt để ổ dịch và chủ động ngăn chặn ngay từ khi chưa có dịch…

Các địa phương có ca bệnh hoặc ổ dịch tiếp tục quản lý chặt chẽ ca bệnh tránh tái phát mầm bệnh, thực hiện tốt công tác điều trị, tránh diễn biến nặng và tử vong; triển khai biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, phát hiện, điều trị sớm ca mắc, xử lý ổ bọ gậy nguồn, diệt mỗi trưởng thành và tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết...

Theo TTXVN