Nâng tầm Hội đua bò Bảy Núi

08/10/2019 - 07:26

 - Với việc tổ chức trên sân đua bò mới rộng 5,5ha gần hồ Soài Chek (xã Núi Tô, Tri Tôn), Hội đua bò Bảy Núi năm nay thu hút lượng khán giả đông đảo hơn, công tác tổ chức cũng chu đáo hơn bởi giao thông thuận tiện, bãi giữ xe rộng rãi, nằm gần khu vực đua. Đây là cơ sở để nâng cấp Hội đua bò Bảy Núi xứng tầm lễ hội cấp quốc gia.

Tạo thuận lợi cho người xem

Trước đây, khi đến lượt đăng cai luân phiên, huyện Tri Tôn thường tổ chức Hội đua bò Bảy Núi tại khu vực chùa Tà Miệt (xã Lương Phi). Lợi thế của địa điểm này là gắn với văn hóa chùa Khmer, xuất phát điểm của hội đua bò vùng Bảy Núi (các chủ bò thi nhau bừa nhanh, ai thắng được sư trụ trì chùa Khmer tặng dây “Cà tha” (lục lạc đeo cổ bò) - niềm vinh dự rất lớn). Tuy nhiên, bất lợi của sân đua bò chùa Tà Miệt (thực chất là mảnh ruộng nhỏ của chùa) là diện tích nhỏ hẹp, không đủ chỗ cho nhu cầu thưởng ngoạn của rất đông khán giả. Muốn vào xem đua bò trong chùa, khách phải gửi xe ở những địa điểm phía ngoài Tỉnh lộ 955B, đi bộ một quãng xa và chen chút nhau để có chỗ đứng trên bờ đê nhỏ hẹp. Nhiều người thậm chí phải trèo lên cây để xem bò đua. Do đông người chen lấn nên dễ tạo điều kiện cho kẻ gian trà trộn móc túi, trộm cắp, giật dây chuyền…

Sân đua bò mới tạo thuận lợi cho người xem

Sân đua bò mới tạo thuận lợi cho người xem

Thấy được những bất cập này nên UBND huyện Tri Tôn đã xin chủ trương và được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng sân đua bò mới gần hồ Soài Chek (xã Núi Tô). Khi tiến hành giải phóng mặt bằng, bà con Khmer có đất trong khu vực dự án vui vẻ bàn giao bởi ai cũng muốn có sân đua mới rộng rãi, thuận tiện để tổ chức Hội đua bò Bảy Núi - môn thể thao truyền thống đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhân Tết cổ truyền Sene Dolta. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, đường vào sân đua bò cũng là tuyến đường chính lên chùa Tà Pạ - một trong những ngôi chùa Khmer độc đáo nhất hiện nay. Sân đua bò nằm gần chùa Khmer, gần hồ Tà Pạ, hồ Soài Chek, cách không xa trung tâm huyện Tri Tôn cũng như Khu du lịch Soài So - Suối Vàng nên du khách đến đây ngoài xem đua bò, có thể khám phá thêm văn hóa, ẩm thực Khmer cùng những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

“Đây là lần thứ 3 tôi cùng những người bạn đi xem đua bò Bảy Núi. Lần này đua ở sân mới dễ coi hơn, lối vào cũng thuận tiện. Mấy lần trước xem ở chùa, do bờ đê chật hẹp nên chúng tôi phải xoắn quần lội bùn đứng xem. Mỗi khi bò chạy tới thì sình bùn văng lên người lấm lem. Lần này đi xem có mái che nắng, chỗ đứng rộng rãi nên mình dễ dàng theo dõi những cuộc đua hấp dẫn mà không phải nơm nớp lo bị bò tông vô người” - chị Hồ Ngọc Thu (du khách đến từ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) bộc bạch.

"Mãn nhãn" người xem

Năm nay, Hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang lần thứ 26 vẫn là cuộc tranh tài của 64 đôi bò trong và ngoài tỉnh (chủ lực là 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên). Tuy nhiên, nhờ có sân đua bò mới rộng 5,5ha cùng công tác quảng bá tốt nên lượng khách đến xem đạt gần 30.000 người (những lần trước chỉ hơn 10.000 người). Cặp 2 bên khán đài A (nơi dành cho khách mời, tổ chức lễ khai mạc, chương trình văn nghệ và bế mạc, trao giải), các hàng quán được bố trí lịch sự, có mái che tươm tất, thuận lợi cho khách có nhu cầu ăn uống. Bốn nhà vệ sinh lưu động được lắp dựng ở khu vực sân đua bò, thùng rác được bố trí xung quanh sân đua. Trong thời gian diễn ra hội đua bò, các thành viên của nhóm fanpage “Nét đẹp Tri Tôn” tổ chức đi nhặt rác. Đó như lời nhắc nhở người xem không xả rác bừa bãi, giữ gìn môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp.

Lần đầu tiên tranh tài ở sân đua bò mới nên các đôi bò dường như cũng đua tranh quyết liệt hơn trước sự reo hò cổ vũ của đông đảo khán giả. Theo quy định, mỗi lượt đua có 2 đôi bò tham gia, đấu loại trực tiếp để chọn 1 đôi vào vòng trong. Tùy kết quả bốc thăm, 2 đôi sẽ xếp hàng xuất phát trước - sau cách nhau 4m. Thường thì sau khi phải thực hiện hết vòng hô, 2 đôi bò mới tăng tốc đua tranh ở vòng thả. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đôi bò xuất phát sau “sung sức”, vượt đôi bò trước ngay từ vòng hô và băng nhanh về đích ở vòng thả, giành luôn chiến thắng.

Nếu như những năm trước đây, khi vào đến vòng tứ kết, bán kết và chung kết, nhiều đôi bò tỏ ra mệt mỏi, chạy lạc lên bờ ngay từ vòng hô thì năm nay, các cuộc đua tranh diễn ra quyết liệt, hấp dẫn tới trận cuối cùng. Để ghi tên mình vào thi đấu chung kết, cả đôi bò của ông Nguyễn Văn Liệt (số đeo 06, xã An Phú, Tịnh Biên) và ông Nguyễn Thành Tài (số đeo 33, xã Châu Lăng, Tri Tôn) đã thi đấu xuất sắc ở 2 trận bán kết với cú nước rút thần tốc. Trận chung kết diễn ra kịch tích đúng như mong đợi của khán giả. Hai đôi bò của ông Nguyễn Thành Tài và ông Nguyễn Văn Liệt đã cống hiến cho người xem màn rượt đuổi đầy gây cấn ở nửa vòng thả. Để đoạt chức vô địch và nhận giải thưởng trị giá 30 triệu đồng, đôi bò của ông Nguyễn Văn Liệt đã có cú bứt tốc dũng mãnh về đích. Thành tích này cũng giúp ông Nguyễn Văn Liệt đoạt giải người điều khiển bò xuất sắc nhất giải.

Nỗ lực thi đấu của các đôi bò cùng sân đua mới đã giúp du khách thật sự có một ngày hội mãn nhãn, còn đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vui đón lễ Sene Dolta thêm trọn vẹn.

Thành công của Hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang lần thứ 26 là cơ sở để nâng chất hoạt động này xứng tầm lễ hội cấp quốc gia, tạo thêm điểm nhấn du lịch hấp dẫn vùng Bảy Núi.

NGÔ CHUẨN