Trong “Nghiên cứu tổng quan về nguyên nhân cơ bản và giải pháp tổng thể đối với vấn đề xói lở bờ sông Cửu Long” năm 2018 của nhóm nghiên cứu Trịnh Phi Hoành, Trần Văn Thương, Nguyễn Siêu Nhân, Nguyễn Thám, khi xem xét vấn đề của ĐBSCL nói chung và vấn đề xói lở bờ sông nói riêng không thể cô lập, tách rời khỏi bối cảnh lưu vực Mê Công và biển. Phù sa mịn và dinh dưỡng bám vào phù sa là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất, hệ sinh thái thủy sinh nước ngọt và năng suất thủy sản vùng ven biển (Mekong Plume). Phù sa mịn có vai trò bồi đắp, ổn định bờ sông, bờ biển và cân bằng động lực dòng chảy. Khi lượng phù sa trong dòng chảy bị giảm sẽ tạo ra hiện tượng “nước đói” (hungry water) không bồi đắp được và gây sạt lở. Cát và sỏi di chuyển ở đáy sông có vai trò bồi đắp, ổn định bờ sông, bờ biển. Do đó, sông Mê Công được xem như “bầu sữa mẹ” nuôi dưỡng “đứa con thơ” - ĐBSCL. Khi “bầu sữa mẹ” cạn hoặc có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tồn tại, phát triển của đồng bằng nói chung và sự diễn biến phức tạp của xói lở bờ sông nói riêng.
Trong nhiều năm trở lại đây, hiện tượng xói lở, sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng gia tăng trong hệ thống sông thuộc ĐBSCL với những diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của địa phương, xã hội; đồng thời nhận được sự ưu tiên quan tâm, xử lý của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành. Thống kê năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở; đến năm 2019 con số này đã lên đến 681 điểm, tăng gấp 7 lần. Trong đó, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, tỉnh An Giang xuất hiện 78 điểm sạt lở với trên 91,2 km bờ sông và tỉnh Đồng Tháp xuất hiện 52 điểm sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu, với tổng chiều dài và diện tích sạt lở là 28,5 km và 17,98 ha. Các điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây cản trở giao thông. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đã đến hồi báo động, đòi hỏi có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ ĐBSCL. Song song với hiện tượng sạt lở gia tăng, hiện tượng bồi lắng cũng xuất hiện, nguồn cát và nguồn phù sa màu mỡ ở ĐBSCL càng lúc càng ít, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và thủy sản của một vùng đất được xem là vựa lúa của Việt Nam. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Linh Thước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Vấn đề xói lở, bồi lắng tại hệ thống sông ở khu vực ĐBSCL trong thời gian qua diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, trở thành điểm nóng được ưu tiên, quan tâm xử lý. Một số nghiên cứu ghi nhận có một số nguyên nhân gây sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL là sự thay đổi tính chất cơ học của đất 2 bên bờ sông vào đầu mùa mưa hàng năm kết hợp với sự dao động mực nước dưới sông làm khối đất bờ sông mất ổn định; sự bào mòn lòng sông và bờ sông bởi tập trung dòng chảy về một phía tại khúc sông cong; sự khai thác cát trong lòng sông chưa thực sự khoa học làm ảnh hưởng đến dòng chảy”.
Tại hội thảo quốc tế “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng tại hệ thống sông ĐBSCL” vào cuối tháng 11-2019 ở An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tích cực, tìm ra các giải pháp khoa học về sạt lở và bối lắng, giúp khu vực ĐBSCL hướng tới sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng là nguồn thông tin hỗ trợ Đảng, Nhà nước ban hành những cơ chế, chính sách vĩ mô; lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương có những quyết sách đúng đắn, tránh các rủi ro, tác động tiêu cực do sạt lở gây ra; giúp cộng đồng dân cư nhận thức đúng đắn và có trách nhiệm với dòng sông đã kiến tạo ra ĐBSCL trù phú hàng ngàn năm trước. UBND tỉnh An Giang kỳ vọng, hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ khoa học tổng quan về thực trạng, nguyên nhân, diễn biến xói lở và bồi lắng tại ĐBSCL và định hướng các giải pháp, từ đó kiến nghị những giải pháp khoa học kỹ thuật góp phần hạn chế, ngăn chặn diễn biến xói lở và bồi lắng cho hệ thống sông ĐBSCL, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.
“Giải quyết vấn đề xói lở ở vùng ĐBSCL là vấn đề phức tạp, lâu dài. Bởi vì bản thân hiện tượng xói lở bờ sông liên quan đến nhiều yếu tố (thủy văn, địa chất, nhân sinh…). Mặt khác, những yếu tố liên quan, nhất là liên quan đến hoạt động nhân sinh trên lưu vực và tại địa phương ĐBSCL đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi tới dòng sông. Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Công gần như khó đảo ngược. Do đó, việc thiếu hụt phù sa, sự thay đổi động lực dòng chảy… sẽ diễn ra trầm trọng hơn trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL cần phải tăng cường vai trò của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong MRC và Hợp tác Mê Công - Lan Thương để có những thông tin cần thiết, hạn chế tối đa những tác động bất lợi. Việt Nam cần kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế (tham khảo Công ước Liên Hợp Quốc về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng Châu Âu, cải tiến Hiệp định MRC 1995). Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lí tốt nguồn nước sông Mê Công và các rủi ro từ biến đổi khí hậu, xây dựng các đập thủy điện trong lưu vực. Ngoài ra, nên tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học tâm huyết, trách nhiệm và am hiểu về ĐBSCL nhằm tăng cường những ý kiến phản biện đối với việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi trên dòng chính sông Mê Công” - nhóm nghiên cứu Trịnh Phi Hoành, Trần Văn Thương, Nguyễn Siêu Nhân, Nguyễn Thám đề xuất.
GIA KHÁNH