Ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn chạm trần

12/11/2022 - 13:56

Nhằm kích thích và khuyến khích khách hàng để tiền trên tài khoản thanh toán, các ngân hàng đã tăng lãi suất không kỳ hạn.

Ngân hàng Techcombank vừa tăng lãi suất không kỳ hạn lên 1%. Ảnh minh họa

Có thể thấy, sau thời gian dài các ngân hàng áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,03%, hiện một số ngân hàng đã tăng mức trần lãi suất lên đến 1%, mức chạm trần của lãi suất không kỳ hạn; điển hình như ngân hàng Techcombank, VPBank, VietCapital Bank, SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB, NamABank, BacABank, MSB… …

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, việc các NHTM điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn phù hợp với quy định và theo sự điều chỉnh lãi suất của NHNN Việt Nam. Ở góc độ quản trị, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng và cũng là một cách để ngân hàng khuyến khích khách hàng để tiền trên tài khoản thanh toán nhằm sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng số ngày càng nhiều tiện ích.

Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, việc các NHTM tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là điều khó tránh khỏi, bởi trong bối cảnh lãi suất các kỳ hạn ngắn tăng khiến người dân có xu hướng chuyển tiền trên tài khoản thanh toán về tiền có kỳ hạn. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất không kỳ hạn. Theo đó, ngân hàng nào càng có nhiều nguồn vốn không kỳ hạn càng tạo ra được giá vốn thấp để đảm bảo mức chênh lệch nhất định giữa lãi suất huy động và cho vay.

Thực thế cho thấy, bên cạnh lãi suất không kỳ hạn tăng, lãi suất huy động dài hạn cũng tăng mạnh, từ 0,2 - 0,6%/năm tùy theo từng kỳ hạn.

Techcombank trước đây được xem là ngân hàng hay đứng ngoài, nhưng trong đợt này cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất. Cụ thể, sau khi đẩy lãi suất không kỳ hạn lên 1% thì lãi suất dưới 6 tháng cũng lên mức kịch trần cho phép 6%/năm. Lãi suất huy động còn lại của Techcombank cũng ở mức cao, lên 8,4%/năm cho 12 tháng; từ 12 tháng trở lên áp dụng với mức lãi suất 8,7%/năm.

Các ngân hàng khác cũng tăng lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên như Kienlongbank là 8,8%/năm, SCB là 8,7%/năm, NCB ở mức 8,5%/năm… Tuy nhiên, Kienlongbank lại giảm kỳ hạn 9 đến 15 tháng xuống còn lãi 8,9%/năm, từ 18 tháng trở lên lãi suất còn 8,8%/năm…

Trong khi đó, ngày 9/11, NHNN đã “bơm” ra thị trường hơn 4.802 tỉ đồng. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp NHNN “bơm” tiền ra thị trường tổng cộng hơn 65.045 tỉ đồng. Như vậy, từ đầu tháng 11 đến nay, NHNN đã bơm ròng 55.243 tỉ đồng. Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc NHNN bơm tiền liên tục trong thời gian qua đã giúp lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dịu đi so với đầu tháng.

Cụ thể, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng đã giảm từ 0,01 - 0,46%/năm. Theo đó, lãi suất qua đêm xuống còn 5,07%/năm, 1 tuần còn 6,47%/năm, 2 tuần còn 7,1%/năm, 1 tháng còn 7,74%/năm (đầu tháng 11 lên 11,25%/năm), 3 tháng còn 8,07%/năm, 6 tháng còn 8,17%/năm, 9 tháng xuống 8,32%/năm, 12 tháng xuống 8,44%/năm. 

Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tiền gửi thanh toán của cá nhân tính đến hết quý II/2022 đạt 979.115,54 tỷ đồng trong khi thời điểm cuối quý I/2022 là 1.040.774 tỷ đồng, giảm hơn 61.000 tỷ đồng.

Theo TTXVN