Tình nguyện viên của "ngân hàng thời gian" khi đến thăm nhà một người cao tuổi. Ảnh: DW
Anh Rohit Mamgain (31 tuổi) là người sáng lập Nirogi Bharat Foundation (NBF) - tổ chức tình nguyện đứng sau "ngân hàng thời gian". Mamgain chia sẻ với tờ The Times of India rằng sáng kiến này "dựa trên khái niệm đã được áp dụng ở các nước như Thụy Điển và Đan Mạch".
Anh Mamgain lý giải: "Chúng tôi tin rằng đây là lần đầu tiên một việc như vậy được thực hiện ở Ấn Độ. Bất kỳ ai quan tâm đến việc chia sẻ thời gian của mình với người cao tuổi gặp khó khăn đều có thể trở thành thành viên của ngân hàng thời gian sau khi được cảnh sát xác minh. Tình nguyện viên có thể dành thời gian với những người cao tuổi sống một mình, phụ thuộc vào người khác về chăm sóc sức khỏe cũng như các nhu cầu khác”.
Giải thích thêm về cách thức hoạt động của “ngân hàng thời gian” tại thành phố Dehradun, bang Uttarakhand, anh Mamgain nhấn mạnh: "Mỗi giờ tình nguyện viên dành cho người cao tuổi sẽ được ghi vào tài khoản của họ. Đến khi những tình nguyện viên này có nhu cầu, sẽ có các tình nguyện viên khác đến hỗ trợ họ”.
Anh nói thêm rằng cho đến nay đã có hơn 600 tình nguyện viên thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau đã đăng ký với “ngân hàng thời gian”.
Một quan chức chính phủ đã nghỉ hưu 81 tuổi sống ở khu Vasant Vihar của thành phố Dehradun, bang Uttarakhand gọi sáng kiến này là “tia hy vọng cho người cao tuổi”. Ông bộc bạch: “Những người ở độ tuổi tôi sống một mình thường cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn. Với sáng kiến này, khoảng trống sẽ được lấp đầy ở một mức độ nào đó. Chúng tôi hy vọng họ cũng sẽ nhân rộng sáng kiến đến các thành phố khác”.
Theo HÀ LINH (Báo Tin tức/Times of India)