Ngành hàng cá tra còn nhiều việc phải làm

12/05/2020 - 05:38

 - Đó là thông điệp được đưa ra từ hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong năm 2019, giải pháp năm 2020 (nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra trên phạm vị toàn cầu). Hội nghị được tổ chức tại UBND tỉnh An Giang vào ngày 7-5 vừa qua.

Ngành hàng cá tra còn nhiều việc phải làm

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh Covid-19

Xuất khẩu sụt giảm

Theo báo cáo cho thấy, xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm 2020 sụt giảm đến 35% so cùng kỳ năm 2019. Sự sụt giảm này diễn ra ở hầu hết các thị trường trên thế giới. Riêng thị trường Trung Quốc, 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm đến 50%, các thị trường khác, như: Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, khu vực Châu Á… đều giảm mạnh.

“Ngoài ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thì sự sụt giảm trong xuất khẩu cá tra còn do sản lượng cung - cầu. Qua nghiên cứu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSEP) cho thấy, dung lượng thị trường xuất khẩu hàng năm khoảng 700.000 tấn nhưng sản lượng cung năm nay tăng lên gấp đôi, nên việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn”- bà Tô Tường Lan, thành viên VSEP chia sẻ.

“Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tất cả các thị trường đều “dừng lại”, đầu tiên là Trung Quốc, kế đó là EU và các quốc gia Nam Mỹ. Thị trường Châu Á cũng không hơn. Hàng loạt đơn hàng bị hủy, nhiều container phải kéo về vì không nhập được vào cảng của quốc gia nhập khẩu, nhiều khách hàng yêu cầu giãn thời gian giao hàng, trong khi cá nuôi dưới ao đã đến kỳ thu hoạch, phải mang đi chế biến, nhà máy phải duy trì sản xuất để đảm bảo đời sống người lao động” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu là một ngành hàng mang tính chủ lực của toàn vùng ĐBSCL trong hơn 20 năm qua, bởi ngành hàng này hàng năm mang về cho đất nước trên 2 tỷ USD, giải quyết khoảng nửa triệu lao động có việc làm ổn định, cùng với lúa gạo, cá tra đã tạo nên thương hiệu cho quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, khi nói đến Việt Nam, thế giới sẽ nghĩ ngay đến quốc gia có thế mạnh trong sản xuất lúa gạo và cá tra, đây là thành tựu bao trùm của đất nước, là niềm tự hào của nông dân Việt Nam. Song, với một ngành hàng có quy mô như thế nhưng do quá trình phát triển thiếu định hướng chiến lược nên sản phẩm làm ra chưa tương xứng với tầm vóc, giá trị, quy mô bởi giá bán cá tra trên thị trường quốc tế quá rẻ. Công tác quản lý nhà nước đối với ngành hàng này chưa mang tính thực chất. Tinh thần thượng tôn pháp luật của các bên tham gia chưa thực sự nghiêm túc, vì vậy khi cá tra có giá (36.000 đồng/kg vào tháng 10-2018) nông dân “đổ xô” đào hầm. Nuôi nhiều, mất kiểm soát, dẫn đến cung - cầu bất nhất và hậu quả là ngành hàng rơi vào thế bị động trong nhiều năm.

Ngành hàng cá tra còn nhiều việc phải làm

Tập đoàn Nam Việt vẫn duy trì sản xuất để đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịch bệnh Covid-19

Cân bằng cung - cầu

“Đầu năm 2019 chúng tôi vào ĐBSCL, đi các tỉnh thấy bà con nông dân đào ao quá nhiều, đào ban ngày lẫn ban đêm, ngăn cản không được. Hậu quả là chỉ trong vòng 1 năm, diện tích nuôi cá tra của toàn vùng tăng lên 1.000ha. Cụ thể, trong 20 năm phát triển, toàn vùng ĐBSCL nuôi chỉ 5.025ha (2019), bước sang năm 2020 diện tích tăng lên 6.025ha” - ông Nguyễn Xuân Cường phân tích.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, qua nhận diện thực trạng, ngành hàng cá tra còn nhiều việc phải làm, bởi qua phân tích tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, những mặt được và chưa được thì không có một ngành hàng nào mà trong 20 năm phát triển, sự trồi sụt của các bên tham gia dao động trong một biên độ quá lớn, gây mất ổn định như ngành hàng cá tra hiện nay. Trong hơn 20 năm phát triển, rất nhiều doanh nghiệp thành đạt nhưng cũng có không ít doanh nghiệp phá sản; rất nhiều người dân khá giả nhưng có không ít người khánh kiệt vì con cá tra. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc sản xuất theo chuỗi giá trị chưa thật sự gắn chặt, tinh thần thượng tôn pháp luật của các bên tham gia chưa thực sự nghiêm túc, nghiên cứu cơ bản về giống đến nay chỉ mới thực hiện được một phần. Đồng thời, việc tổ chức thị trường chưa mang tính chuyên nghiệp, hiệp hội ngành hàng chưa thực sự mạnh, chưa làm hết vai trò đại diện cho hội viên, cầu nối giữa hội viên với Chính phủ, chưa phát huy vai trò xung kích trong tìm kiếm, mở rộng thị trường…

Trong giai đoạn hiện nay, ngành hàng cá tra còn nhiều việc phải làm bởi kim ngạch xuất khẩu bị sụt giảm mạnh, cung - cầu chưa cân bằng, người tham gia ngành hàng này bị thua lỗ, kéo dài trong nhiều năm. Trên cơ sở đánh giá những mặt chưa làm được, hội nghị đã đề ra các giải pháp khắc phục, cụ thể: không mở rộng thêm diện tích nuôi; tập trung tháo gỡ thị trường Trung Quốc và các thị trường khác, thị trường nào có tín hiệu tốt phải tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu. Tìm mọi cách để lấy lại thị trường Châu Âu, mở rộng thị trường Nga để đưa cá tra vào thị trường này nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ có buổi làm việc với các tập đoàn xuyên quốc gia, các siêu thị để xúc tiến thị trường trong nước, phấn đấu tiêu thụ từ 10-20% sản lượng cá tra trong nước...

“Phải làm bằng được con giống cá tra 3 cấp, điều này các tập đoàn lớn phải đi đầu. Đối với doanh nghiệp lớn chiếm thị phần từ 10-20% thì việc khép kín quy trình sản xuất từ khâu con giống đến nuôi thịt, chế biến, xuất khẩu là phải làm để hạ giá thành tính cạnh tranh cho sản phẩm” - ông Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Bài, ảnh: MINH HIỂN