Ngành nông nghiệp An Giang đặt quyết tâm cao năm 2023

10/02/2023 - 07:08

 - Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang thắng lợi lớn khi giá trị tăng trưởng đạt 3,16% (kịch bản 2,7%), nông dân có một năm “được mùa, trúng giá”. Đây vừa là động lực, vừa là áp lực cho năm 2023 - năm mà ngành quyết tâm đạt cột mốc tăng trưởng mới: 3,2-3,5%.

Hai kịch bản tăng trưởng

Đóng góp vào kết quả tăng trưởng ấn tượng 3,16% của ngành nông nghiệp, cả 3 lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đều có nhiều cố gắng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, giá trị sản xuất (GO) năm 2022 của ngành trồng trọt đạt 31.648 tỷ đồng, tăng 720 tỷ đồng (kịch bản tăng 573 tỷ đồng), GO chăn nuôi đạt 2.079 tỷ đồng, tăng 236 tỷ đồng (kịch bản tăng 207 tỷ đồng), GO thủy sản đạt 11.595 tỷ đồng, tăng 641 tỷ đồng (kịch bản tăng 620 tỷ đồng).

Năm 2023 là năm giữa của kế hoạch 5 năm, là thời kỳ tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025. Do vậy, kế hoạch năm 2023 của ngành nông nghiệp là tiếp tục phấn đấu phát triển theo chiều sâu, tập trung vào tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu kết nối tiêu thụ và tăng cường sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Để “tăng tốc” mạnh mẽ trước khi “về đích” vào năm 2025, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu giá trị tăng thêm năm 2023 đạt 3,2-3,5% (giá so sánh 2010); tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 94,5%. Năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang lên kế hoạch trồng thêm khoảng 70ha rừng; ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu trồng cây phân tán khoảng 1.000ha.

Qua đó, duy trì tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2021-2025 ổn định ở mức 22,4%. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế đến cuối năm 2023 là 82 xã), trong đó có thêm 8 xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngành nông nghiệp đặt ra 2 phương án tăng trưởng năm 2023. Theo đó, để đạt tốc độ tăng trưởng 3,2% (phương án 1), GO ngành nông nghiệp phải tăng thêm 1.700 tỷ đồng. Với phương án này, GO trồng trọt được giao tăng thêm 650 tỷ đồng, chăn nuôi tăng 200 tỷ đồng, thủy sản tăng 850 tỷ đồng. Khi giá trị sản xuất (GO) tăng 1.700 tỷ đồng, ước giá trị tăng thêm (VA) đạt 681 tỷ đồng. Trong khi đó, để đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% (phương án 2), GO ngành nông nghiệp tăng thêm 1.860 tỷ đồng, kéo VA đạt 745 tỷ đồng; dự kiến phân bổ chỉ tiêu cho ngành trồng trọt tăng 731 tỷ đồng, chăn nuôi tăng 200 tỷ đồng, thủy sản tăng 930 tỷ đồng.

Cơ sở để đạt tăng trưởng theo phương án 2 là trong trường hợp lũ nhỏ, sản xuất vụ thu đông 2023 sẽ không giảm 3.000ha, giúp GO ngành trồng trọt tăng thêm 81 tỷ đồng so phương án 1. Còn với thủy sản, kỳ vọng thị trường xuất khẩu cá tra quý IV/2023 đạt tốt, tăng thêm khoảng 5.000 tấn, giúp GO thủy sản tăng thêm 80 tỷ đồng so phương án 1.

Khắc phục khó khăn, thách thức

Giữ vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế An Giang, giúp tỉnh duy trì sự ổn định trong những bối cảnh khó khăn như đại dịch COVID-19 vừa qua, ngành nông nghiệp An Giang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Thuận lợi của lĩnh vực nông nghiệp là tiếp tục được Chính phủ, tỉnh quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Theo đó, các cơ chế chính sách sẽ tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phát triển. Công tác quy hoạch kinh tế - xã hội của Chính phủ và tỉnh thời kỳ 2021-2030 cơ bản hoàn thành, giúp ngành nông nghiệp An Giang có định hướng phát triển cụ thể hơn, rõ ràng hơn.

Đến nay, ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài ứng phó dịch bệnh. Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang ở mức cao, dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tăng trong năm 2023, kéo theo giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng, người nuôi có lãi. Năm 2023, dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục tăng, giữ giá lúa ở mức khá, cùng nỗ lực đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng sẽ giúp nông dân An Giang “trúng mùa, được giá”. Trong khi đó, rau màu, cây ăn trái đang được đẩy mạnh liên kết tiêu thụ; chăn nuôi phục hồi tốt.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai 6 năm, sẽ được tổng kết, đánh giá và chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở các vùng sản xuất đã được hình thành thời gian qua, giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển theo chiều sâu, phát triển các ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã kiểu mới, sản phẩm chất lượng cao được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, tập trung đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Trong chăn nuôi, khuyến khích phát triển theo hình thức trang trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giúp sản phẩm tăng ổn định. Với Đề án giống cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện, dự kiến kết quả sản xuất giống của An Giang sẽ tăng cả về chất lượng và số lượng...

Từ năm 2023, An Giang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân.

NGÔ CHUẨN