Ngành nông nghiệp An Giang tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm

04/06/2021 - 04:27

 - Trong bối cảnh khó khăn chung do sự tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp tiếp tục được xác định là “bệ đỡ” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tập trung chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp (DN)… là những nhiệm vụ trọng tâm được ngành nông nghiệp ưu tiên thực hiện.

Tăng giá trị sản xuất

Từ khi dịch bệnh COVID019 bùng phát (đầu năm 2020) đến nay, ngành hàng lúa, gạo tiếp tục khẳng định vị thế vững vàng khi nông dân liên tục “trúng mùa, trúng giá”, xuất khẩu đạt giá trị cao. Lúa, gạo không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp mà còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo tâm lý ổn định trong nhân dân để tập trung cho “mặt trận” phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ ngành nông nghiệp thường xuyên thăm đồng

An Giang là tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL, được sông Tiền, sông Hậu cung cấp nước ngọt quanh năm, lại ít chịu ảnh hưởng hạn, mặn nên có lợi thế lớn trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tận dụng thời cơ của lúa, gạo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng này theo hướng chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2021, An Giang tăng sản xuất lúa chất lượng cao thêm khoảng 20.000ha, thực hiện liên kết tiêu thụ trên diện tích khoảng 149.000ha với 30 DN (vụ đông xuân 2020-2021 là 46.775ha, vụ hè thu 2021 là 64.825ha, vụ thu đông 2021 là 37.400ha).

Trong đó, ưu tiên thực hiện với các DN có cung ứng vật tư, giống; có đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết, như: kho bãi, cơ sở chế biến. “Toàn tỉnh phấn đấu thành lập thêm 50 hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong năm 2021. Các HTX sẽ đại diện cho nông dân đẩy mạnh liên kết với DN theo hướng hiệu quả, ổn định và bền vững” - ông Lâm thông tin.

Khuyến khích chăn nuôi tập trung

Năm 2021, dự kiến có thêm khoảng 1.000ha cây ăn trái cho thu hoạch (diện tích đã trồng những năm trước); khoảng 2.890ha chuyển từ đất lúa và rau màu sang cây ăn trái, chủ yếu là xoài, mít, chuối, cây có múi, nhãn…

Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT sẽ xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (CODE) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ, như: Hoa Kỳ, Hàn quốc, Úc, Trung Quốc…

Trước những khó khăn của mặt hàng xoài, Sở NN&PTNT tăng cường xúc tiến tiêu thụ xoài, hình thành HTX gắn kết với DN, đồng thời tiếp tục mời gọi các DN liên kết và xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái (Lefarm, Nafoods, Antesco, Chánh Thu, Kim Nhung, Cát Tường, Hoàng Phát...).

Hướng đến bền vững

So những năm trước, ngành chăn nuôi đang có khuynh hướng phục hồi. Theo Sở NN&PTNT An Giang, năm 2021, đàn heo thịt của An Giang tăng khoảng 18.000 con so với năm 2020, trong khi gà thịt tăng 150.000 con, bò sữa tăng 2.000 con… Tỉnh  đang khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi heo thịt, bò thịt, bò sữa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao; chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, phát triển trang trại tập trung, đồng thời kêu gọi DN lớn đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Liên kết sản xuất mặt hàng xoài

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, ngành thủy sản An Giang được đánh giá là còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đối với ngành hàng cá tra, tiếp tục đẩy mạnh liên kết tiêu thụ giữa DN và các hộ nuôi để đảm bảo tính ổn định; áp dụng khoa học - kỹ thuật mới để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, đẩy mạnh các phương pháp giảm giá thành sản phẩm nuôi. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp; tập trung hỗ trợ các dự án công nghệ cao của Nam Việt Bình Phú, Việt Úc, Vĩnh Hoàn. Khi dự án của các DN này sản xuất ổn định sẽ đảm bảo số lượng và chất lượng giống cá tra cho An Giang cũng như vùng ĐBSCL.

Cùng với giữ ổn định diện tích cá tra nguyên liệu khoảng 1.300ha mặt nước và diện tích sản xuất giống cá tra khoảng 1.000ha, ngành nông nghiệp tăng cường thúc đẩy phát triển một số đối tượng nuôi tiềm năng (cá điêu hồng, cá lóc) cùng một số đối tượng có giá trị kinh tế, như: cá chạch lấu, cá lăng, cá ét, cá chốt, cá nàng hai, cá hô, cá chép dòn…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, thời gian tới, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác.

Sở NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua, đồng thời xây dựng Chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư và tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực.

 

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích