Ngành nông nghiệp đạt nhiều thắng lợi năm 2023

03/01/2024 - 15:25

 - Chiều 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành NN&PTNT, theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy và Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chủ trì hội nghị tại điểm cầu An Giang.

Hội nghị tại điểm cầu An Giang

Năm 2023, ngành NN&PTNT duy trì tốc độ tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt nhiều kết quả nổi bật. Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP 5,05% của nền kinh tế cả nước.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay, đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Đến cuối năm 2023, cả nước có 6.370 xã nông thôn mới, chiếm 78% so tổng số 8.168 xã.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi. Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân gạo ngon nhất thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3 – 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp, thủy sản 54 – 55 tỷ USD; phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 58%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.

Ngành nông nghiệp tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Một trong những giải pháp trọng tâm là tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi; tổ chức triển khai và thu hút và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Đối với An Giang, năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng khi đạt mức tăng trưởng 4,43% (ngành nông nghiệp tăng 4,28%, ngành lâm nghiệp tăng 3,85%, ngành thủy sản tăng 5,1%). Bên cạnh diện tích gieo trồng lúa tăng, cơ cấu giống lúa còn chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, năng suất thu hoạch tăng, sản lượng gần 4,1 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt 340 triệu USD.

NGÔ CHUẨN