Ngày 30-4 trong suy nghĩ của thế hệ trẻ

30/04/2020 - 03:46

 - Chiến thắng lịch sử 30-4-1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu kỳ tích của quân và dân Việt Nam. Những ký ức “đi cùng năm tháng” đó, các lớp cha ông luôn hãnh diện tự hào vì được là một phần lịch sử vẻ vang của dân tộc. Thế còn thế hệ trẻ hôm nay, khí thế hào hùng ấy, bản hùng ca của dân tộc cách đây 45 năm có ý nghĩa thế nào với họ. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những suy nghĩ của thế hệ trẻ hôm nay!

Ngày 30-4 trong suy nghĩ của thế hệ trẻ

Những trang sử hào hùng của dân tộc luôn được thế hệ trẻ khắc ghi, tự hào

Để thực hiện bài viết này, tôi đã tiến hành cuộc khảo sát nhỏ (trên tinh thần tự nguyện) với các bạn sinh viên của Trường Đại học An Giang (ĐHAG). Qua đó, 2 câu hỏi đặt ra là: chiến thắng lịch sử 30-4 có ý nghĩa thế nào với anh, chị?/ Là thế hệ tương lai của đất nước, anh, chị thấy mình nên làm gì để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước? Khảo sát bắt đầu từ ngày 22-4.

Tính đến cuối ngày 27-4, đã có hơn 525 bạn sinh viên ở các khoa của Trường ĐHAG tham gia khảo sát. Một kết quả ngoài mong đợi vì lúc đầu tôi chỉ định khảo sát 100 bạn trẻ thôi! Với tôi, đây là một minh chứng, cho thấy thế hệ trẻ ngày nay vẫn rất quan tâm đến lịch sử dân tộc.

Qua những câu trả lời của các bạn, tôi cảm nhận sự tâm đắc, chỉnh chu, cẩn thận trong từng câu chữ. Đặc biệt, khi nhắc đến chiến thắng lịch sử 30-4 thì bao niềm tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh cứ hiện lên khiến lòng tôi cũng dâng trào một niềm cảm xúc khó tả.

Hơn 500 bạn trẻ tham gia khảo sát đều có chung cảm nhận về ngày 30-4 cách đây 45 năm. Dẫu không lưu ký ức bằng “máu và nước mắt” như các bậc cha chú đi trước, nhưng thế hệ trẻ hôm nay vẫn rất tự hào tinh thần bất diệt, ý chí quật cường dân tộc qua những trang sử vẻ vang. Bởi, chiến thắng 30-4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

“Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam. Với mỗi người dân nước Việt, ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh chấm dứt, đất nước sạch bóng quân xâm lược, hòa bình trở lại. Đó là ngày đoàn tụ, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Chiến thắng ngày 30-4-1975 là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc” - bạn Cao Hoàng Uyên (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐHAG) tự hào khẳng định.

Cùng suy nghĩ ấy, bạn Võ Thị Diễm Mi (sinh viên năm 3, Trường ĐHAG) bày tỏ: “Với em, ngày 30-4 không chỉ là biểu tượng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam, mà còn là tấm gương sáng về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi đó, Việt Nam là một đất nước nghèo, nhỏ bé, kinh tế kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Vậy mà, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự kiên cường, đoàn kết, dân tộc Việt Nam đã viết nên câu chuyện thần kỳ đánh đuổi quân thù bằng chính sức mình”.

Có người cho rằng, ngày nay, thời kỳ kinh tế thị trường, cuộc sống trở nên tất bật, phần lớn đã dần quên đi ý nghĩa các ngày trọng đại của lịch sự dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi, dường như mọi người quan tâm đến nghỉ lễ mỗi năm là vào thứ mấy, được nghỉ bao nhiêu ngày, đi đâu và làm gì để giải tỏa căng thẳng sau những giờ lao động, học tập áp lực, vất vả.

Đừng nhìn cuộc sống một cách phiến diện, cảm nhận bằng cả lý trí và con tim, ta sẽ thấy tinh thần bất diệt những ngày tháng 4 lịch sử năm xưa vẫn như vừa mới hôm qua. Bởi, với bao lớp thế hệ đi trước, phần ký ức hào hùng ấy vẫn nằm trọn trong sâu thẳm tiềm thức với cả đau thương và hạnh phúc. Còn thế hệ trẻ, dẫu không được chứng kiến những năm tháng hào hùng ấy nhưng niềm tự hào dân tộc vẫn được cha ông “truyền lửa” từ đời này qua đời khác.

Đưa đất nước thành một nước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no hanh phúc, trách nhiệm đó không ai khác chính là của người trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Mỗi người chúng ta khi sinh ra trên đời, ai cũng sẽ có cho mình những trách nhiệm: trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, và hơn hết là trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc.

“Dòng máu trong tim ta là “dòng máu Lạc hồng” nên phải biết hướng về cội nguồn, đừng bao giờ chối bỏ hay quay lưng lại với chính Tổ quốc của mình, nơi đã cho ta sự sống. Thanh niên trong thời đại mới phải là những người năng động, sáng tạo, sống có lý tưởng phục vụ Tổ quốc. Thanh niên cần hướng đến lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia; phải có sức khỏe, có trí tuệ và sống có lý tưởng, mục tiêu, hoài bão. Chính vì thế, thanh niên cần được tôi luyện đạo đức vì đạo đức, là cái gốc của con người” - bạn Hoàng Uyên chia sẻ thêm.

Là một công dân, đặc biệt là một thế hệ trẻ, trách nhiệm đối với Tổ quốc là điều mà mỗi cá nhân đều phải ghi nhớ và thực hiện, nó sẽ là động lực to lớn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước sau này. Như nhà thơ Hoàng Trung Thông từng nói: “Ta lại viết bài thơ trên báng súng/ Con lớn lên đang viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua…”.

PHƯƠNG LAN