Ngày Quốc tế hạnh phúc (20 -3)

20/03/2020 - 06:42

 - Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan (ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya) là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao, dựa trên các yếu tố: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, xã hội phát triển bền vững.

Ngày Quốc tế hạnh phúc còn khởi nguồn từ bình đẳng giới nhằm đảm bảo quyền con người, đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội. Hơn hết, đó là nhu cầu về tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng hợp lý, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về lịch sử, ý nghĩa của ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3).

Tổ chức các hoạt động nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, tập trung giới thiệu gương “người tốt, việc tốt”, tuyên truyền các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Lồng ghép tuyên truyền trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị. Đồng thời, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình.

An Giang có đường biên giới dài khoảng 100km tiếp giáp Campuchia, bên cạnh những thuận lợi trong giao thương, mua bán thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: các loại tệ nạn xã hội, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới… vẫn còn diễn biến phức tạp.  Cùng với đó, thực trạng xâm hại tình dục trẻ em còn diễn ra, năm 2019 có hơn 15 trường hợp trẻ em gái bị xâm hại tình dục.

Phụ nữ là tổ ấm, là nơi giữ lửa hạnh phúc gia đình

Thời gian qua, toàn tỉnh duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Toàn tỉnh có hơn 550 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 487 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và duy trì 333 địa chỉ tin cậy tại địa phương. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện, thị xã, thành phố được củng cố và nâng chất hoạt động, tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng theo quy định.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, xây dựng các địa chỉ tin cậy; kết nối đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em tỉnh thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng chống mua bán phụ nữ và bạo lực gia đình; phát triển các mô hình câu lạc bộ... thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng tham vấn cho cán bộ thực hiện mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh. Xây dựng, nhân rộng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; các mô hình phòng chống buôn bán người; mô hình “Xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”... và nhân rộng các mô hình thành công.

Cùng với đó, phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thi văn nghệ tuyên truyền công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho 11 huyện, thị xã, thành phố tham dự.

Hội Phụ nữ các cấp còn có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và trong thực hiện các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”.

Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp để vươn lên trong cuộc sống.

Với nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.

Ngày càng có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên… góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

HỮU HUYNH