Để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Chính sách kịp thời
Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXV
Điểm đáng chú ý tại Nghị quyết 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) là chính sách hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp để trả lương người lao động, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ kinh doanh, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất... cùng nhiều chính sách khác hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hay ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, Nghị quyết 68 là chủ trương chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời để hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, nghị quyết đặc biệt ưu tiên việc duy trì sản xuất kinh doanh và phục hồi nền kinh tế. Cũng như nhiều gói hỗ trợ khác từng được triển khai, ông Lộc hy vọng, các chính sách an sinh xã hội và trợ giúp doanh nghiệp lần này sẽ đảm bảo bao phủ khắp các đối tượng, đem lại hiệu quả kịp thời và phát huy tác dụng khắc phục tình thế khó khăn hiện tại của nhiều doanh nghiệp và người lao động.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Thực tế này không thể không lo lắng, ông Lộc bày tỏ.
"Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi doanh nghiệp với việc hỗ trợ bằng tài khoá, tín dụng. Song do giới hạn về nguồn lực và áp lực cân bằng vĩ mô, giải pháp này cũng là hữu hạn. Những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… là động lực lớn nhất cho sự phát triển. Do đó, cần có cơ chế hành động thống nhất và đẩy nhanh việc áp dụng dùng một luật sửa nhiều luật hay gỡ ngay những điểm bất hợp lý, chồng chéo hiện nay. Chúng tôi mong có những đột phá như vậy trong cải cách thể chế để hậu thuẫn cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Lộc nói.
Đồng tình với chủ trương hỗ trợ người lao động của Chính phủ theo Nghị quyết 68, đại diện Tổng công ty Viglacera cho biết, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, Viglacera đã chủ động hỗ trợ cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, Viglacera chi hỗ trợ 233 người lao động mức 500.000 đồng/người; trong đó có 2 người được hỗ trợ ở mức 1.500.000 đồng/người. Cùng đó, Công đoàn Xây dựng Việt Nam cũng đã hỗ trợ khẩn cấp cho 742 đoàn viên, người lao động Viglacera đang trực tiếp ăn nghỉ và làm việc tại nhà máy mức hỗ trợ bằng quà trị giá 300.000 đồng/người.
Việc hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không ai bị để lại phía sau và là sự quan tâm, trách nhiệm của Viglacera đối với người lao động. Tuy số tiền hỗ trợ không mang giá trị quá lớn về vật chất, nhưng phần nào hỗ trợ người lao động vơi đi những gánh nặng lo toan cuộc sống; thể hiện tình cảm, trách nhiệm đồng hành của doanh nghiệp. Riêng trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi thuộc các khu công nghiệp lớn nhất cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương... Theo đó, nhiều nhà máy của Viglacera đã phải dừng toàn bộ hoạt động hoặc phải tổ chức sản xuất, ăn nghỉ tại chỗ, nên gặp không ít khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp mong đợi khi Nghị quyết 68 với rất nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai, sẽ giúp Viglacera cải thiện được tình hình, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định tạm thời được đời sống của người lao động.
Có kế hoạch triển khai cụ thể
Mặc dù Nghị quyết 68 đã được ban hành nhưng cho đến nay nhiều hộ kinh doanh và người lao động chịu ảnh hưởng của COVID-19 vẫn còn “mơ hồ” chưa nắm rõ được chính sách hỗ trợ này cũng như làm thế nào để được hưởng hỗ trợ.
Theo ông Phạm Văn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm Tràng An, dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trước rất nhiều, vì nội lực của doanh nghiệp đã không còn được như trước. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp.
“Song với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như Tràng An, chúng tôi mong muốn Nghị quyết 68 sớm có hướng dẫn và triển khai nhanh chóng, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Phương cho hay.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở sản xuất cơ khí Hưng Mạnh ở Thanh Oai - Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi cũng mới được nghe về việc Chính phủ có hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng chưa nắm chi tiết về hỗ trợ như thế nào và làm sao để được hưởng các ưu đãi hỗ trợ. Cơ sở sản xuất đã buộc phải cho nghỉ việc 50% nhân công vì dịch bệnh, đơn hàng giảm sút khiến không có lợi nhuận”.
Nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tại Nghị quyết 68 quy định 12 nhóm đối tượng được thụ hưởng; trong đó, hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch.
Hỏi về Nghị quyết này, anh Mai Văn Thanh, Giám đốc Công ty du lịch Thành Nhân, Phú Quốc - Kiên Giang cho biết, để được hưởng gói hỗ trợ trên hướng dẫn viên du lịch thỏa mãn 2 điều kiện là: có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa...
Theo anh Thanh, với điều kiện thứ hai, nhiều hướng dẫn viên không đáp ứng được. Bởi đặc thù của du lịch mang tính mùa vụ nên có tới 90% hướng dẫn viên du lịch là lao động tự do, cộng tác với các công ty du lịch nên rất khó có hợp đồng làm việc như theo quy định để được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng. Các công ty du lịch không ký hợp đồng làm việc với hướng dẫn viên theo năm, mà ký hợp đồng theo tour vài ngày. Bởi du lịch theo mùa vụ nên các doanh nghiệp lữ hành tuyển rất ít hướng dẫn viên cơ hữu mà chủ yếu là ký hợp đồng ngắn hạn theo từng tour với hướng dẫn viên bên ngoài.
Về phía hướng dẫn viên, họ không chỉ cộng tác với một công ty du lịch mà với vài công ty khác nên không có hợp đồng làm việc giống như các loại hình doanh nghiệp. Hơn nữa, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên từ năm ngoái đến nay đã có rất nhiều công ty du lịch giải thể, hướng dẫn viên không thể xin được xác nhận đã làm việc.
Chị Trần Thu Thủy, hướng dẫn viên nội địa lâu năm ở Thạch Bàn, Gia Lâm - Hà Nội chia sẻ, nhiều hướng dẫn viên du lịch đón nhận thông tin này đã rất vui. Do dịch COVID-19, nhiều địa phương tạm dừng đón khách du lịch, lượng khách hủy tour cao kéo theo các công ty du lịch phải tạm dừng hoạt động dẫn đến hướng dẫn viên du lịch cũng không có việc làm. Hiện trong khi chờ dịch tạm ổn, nhiều hướng dẫn viên du lịch phải tìm công việc khác như kinh doanh online từ chế biến đồ ăn sẵn cho tới bán các sản phẩm thời trang, quần áo hóa mỹ phẩm… nhưng rất khó khăn do phải cạnh tranh.
Bản thân chị đã dừng làm hướng dẫn viên du lịch từ lâu, nguồn sống của gia đình chị dựa vào số tiền tích lũy trước đây nhưng đã cạn. Chị rất vui khi được biết Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, hướng dẫn viên du lịch thuộc đối tượng được Chính phủ hỗ trợ 3.710.000 đồng. Như vậy hướng dẫn viên sẽ có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Chị Thủy chia sẻ thêm, hiện một số người có thẻ hướng dẫn viên nhưng chỉ làm công việc văn phòng, hành chính trong công ty du lịch. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng lao động thì khó xác định đúng ai là hướng dẫn viên; ai là hướng dẫn viên tự do bị mất việc. Vì thế rất cần các sở, ngành, chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp để có sự rà soát thật kỹ để đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách nhân văn này.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ cũng khá bất ngờ trước việc mình sẽ nhận được hỗ trợ từ nhà nước.Theo Nghị quyết 68, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
Anh Nguyễn Phi Hùng, hộ kinh doanh nhỏ tại Bạch Mai - Hà Nội cho biết, Chính phủ có hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp và cơ sở kinh doanh là điểm rất đáng mừng. Rất mong Chính phủ sớm triển khai hỗ trợ tới người dân để phần nào giảm bớt khó khăn, vượt qua đại dịch. “Nhưng phải chứng minh dừng hoạt động trong 15 ngày như thế nào, người lao động trong cơ sở kinh doanh phải có những thủ tục, điều kiện gì cụ thể để nhận hỗ trợ thì chúng tôi hoàn toàn không nắm được”, anh Hùng bày tỏ băn khoăn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, mong muốn của đa số doanh nghiệp và người dân là Chính phủ nên nhanh chóng có kế hoạch triển khai một cách cụ thể, kịp thời và chính xác. Cần thiết có thể đẩy mạnh các hoạt động đối thoại trực tuyến, để phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nhằm tìm phương án xử lý và ứng phó.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68 sẽ được thực hiện công khai minh bạch, không để trục lợi chính sách, đáng chú ý là các thủ tục đã giảm 2/3,nên các nhóm đối tượng dễ dàng thụ hưởng hơn...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, gói 62.000 tỷ đồng trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng. Nhưng nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân, thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là khoảng 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.
Theo TTXVN