Nghiên cứu cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá heo

08/10/2024 - 07:23

 - ThS Nguyễn Minh Thư - Trung tâm Giống thủy sản An Giang đang chủ nhiệm dự án "Cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá heo" (Botia modesta Bleeker, 1865) tại tỉnh An Giang. Dự án sẽ giúp người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Mục tiêu dự án nhằm xây dựng thành công mô hình sản xuất giống cá heo theo quy mô nông hộ tại tỉnh An Giang trên cơ sở kế thừa, cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất giống từ đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh, góp phần chủ động cung cấp con giống với số lượng lớn cho người nuôi. Bên cạnh đó, khi thực hiện thành công dự án sẽ góp phần cải tiến, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá heo và giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi và bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng mô hình sản xuất giống cá heo theo quy trình kỹ thuật cải tiến đạt các thông số kỹ thuật: Nuôi vỗ thành thục sinh dục và kích thích sinh sản cá: Hệ số thành thục (GSI) ≥ 0.05; tỷ lệ thành thục ≥ 80%; tỷ lệ cá đẻ ≥ 80%; tỷ lệ thụ tinh ≥ 70%; tỷ lệ nở ≥ 75%. Ương cá từ bột lên giống trong ao đất: Kích cỡ cá giống trung bình đạt 500 con/kg; tỷ lệ sống trung bình ≥ 20%. Tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống cá heo cho 40 người, thành phần tham gia tập huấn là kỹ thuật viên và nông dân trên các địa bàn triển khai dự án. Tổ chức 1 cuộc hội thảo đánh giá kết quả mô hình dự án (50 đại biểu tham gia). Hiệu quả kinh tế của mô hình: Tỷ suất lợi nhuận dự kiến ≥ 25%.

Ao nuôi vỗ cá heo bố mẹ

ThS Nguyễn Minh Thư cho biết, dự án gồm 4 nội dung chính. Chủ nhiệm dự án đã khảo sát chọn điểm triển khai mô hình; tập huấn quy trình kỹ thuật cải tiến sản xuất giống cá heo cho 40 nông hộ tham gia, theo quy trình cải tiến của Trung tâm Giống thủy sản. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất giống cá heo tại Trại Giống Bình Thạnh cơ sở 2 - Trung tâm Giống thủy sản An Giang (tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn), thực hiện các khâu gồm nuôi vỗ cá bố mẹ (trong ao), sinh sản nhân tạo và ương cá từ giai đoạn bột lên giống. Áp dụng theo quy trình kỹ thuật cải tiến của Trung tâm Giống thủy sản đúc kết từ kết quả đề tài của PGS.TS Dương Nhựt Long và từ thực tế sản xuất. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất giống cá heo tại hộ dân ở xã An Hòa (huyện Châu Thành), thực hiện các khâu gồm nuôi vỗ cá bố mẹ (trong bè) sinh sản nhân tạo và ương cá từ giai đoạn bột lên giống.

ThS Nguyễn Minh Thư cho biết, sau khi dự án kết thúc, chủ nhiệm dự án sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của dự án, nếu hiệu quả thì tiến hành kết hợp các cơ quan chuyên môn, như: Hội Nông dân tỉnh, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp... phổ biến hiệu quả mô hình. Sau khi kết thúc, sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị phối hợp phổ biến và nhân rộng mô hình sản xuất đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Ngoài ra, chủ nhiệm dự án và các đơn vị phối hợp giúp các hộ dân tham gia dự án duy trì, đẩy mạnh sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá heo cung cấp cho thị trường trong vòng 5 năm, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao lại quy trình cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư.

Một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình ương giống cá heo trong ao đất là sản xuất được con giống trên quy mô lớn với chi phí và giá thành hợp lý. Công nghệ sục khí sử dụng trong dự án có tác dụng cung cấp ô-xy đều trong ao, ngăn cản tảo phát triển quá mức tạo hiện tượng nở hoa gây độc cho cá, duy trì chất lượng nước ổn định cho sự phát triển của cá trong suốt quá trình ương, thông qua đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, cũng như hao hụt. Điều này sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân. Thực hiện thành công dự án giúp tăng số lượng con giống khỏe mạnh cung cấp cho nghề nuôi thương phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng con giống. Thông qua mô hình này, sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi đối tượng nuôi, ứng dụng tiến bộ, KH&CN vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Dự án còn giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, nâng cao dân trí về ứng dụng KH&CN vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả dự án góp phần chủ động cung cấp con giống, đa dạng loài cá nuôi nước ngọt của tỉnh, chuyển đổi nuôi các loài cá có giá trị thấp sang sản xuất cá heo có giá trị kinh tế cao.

Cá heo là loài cá đặc sản có chất lượng thịt thơm ngon, độ béo cao, chủ yếu được tiêu thụ trong các nhà hàng, quán ăn lớn. Nhu cầu thị trường và giá trị thương phẩm cá heo ngày càng tăng cao (350.000 - 580.000 đồng/kg). Hiện, nguồn cá giống cung cấp cho nghề nuôi còn khá hạn chế và mang tính mùa vụ, do con giống tự nhiên chỉ xuất hiện theo mùa lũ hàng năm. Trong khi cá giống nhân tạo (giá bán dao động khoảng 1.500 - 2.000 đồng/con) chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của người nuôi. Hiện, nguồn giống còn hạn chế, cùng với giá bán cá thương phẩm khá cao, là tín hiệu lạc quan cho thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, ổn định và sẽ giúp mang lại lợi nhuận cao cho các hộ nuôi.

 

HẠNH CHÂU