Nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu tại An Giang

23/03/2021 - 06:28

 - ThS Lê Văn Lễnh (Trường Đại học An Giang) vừa thực hiện thành công đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu (Ompok bimaculatus) tại An Giang”. Hiện, cá trèn bầu là đối tượng mới, chưa có đơn vị và nông hộ nào trong tỉnh sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Cá trèn bầu thương phẩm

Mục tiêu đề tài nhằm cung cấp cơ sở khoa học góp phần xây dựng quy trình sản xuất giống và mô hình nuôi thương phẩm cá trèn bầu, chủ động con giống cho người nuôi, đa dạng hóa loài cá nuôi bản địa và phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước ngọt ở ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, tiến đến bảo tồn và phát triển nguồn gene cá trèn bầu ở An Giang. Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá trèn bầu đạt yêu cầu nuôi vỗ thành thục sinh dục cá trèn bầu trong ao: tỷ lệ thành thục >70%, hệ số thành thục >5% ở thời điểm chính vụ (từ tháng 5 - tháng 9); kích thích sinh sản bán nhân tạo: tỷ lệ cá rụng trứng >70%, sức sinh sản thực tế >200.000 trứng/kg cá cái, tỷ lệ thụ tinh >70%, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống cá bột >70%. Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 ương từ 1-30 ngày tuổi tỷ lệ sống >30%; giai đoạn 2 ương từ 31-90 ngày tuổi tỷ lệ sống >50%, kích cỡ trung bình 1,5gr/con.

Xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá trèn bầu trong lồng bè đạt: tỷ lệ sống >60%; FCR: 2,0-2,5 đối với thức ăn công nghiệp, 4,0-5,0 đối với thức ăn cá tạp; kích cỡ thu hoạch trung bình 100g/con; năng suất 4-5kg/m3. Ghi nhận bệnh trong quá trình ương giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu: dấu hiệu bệnh lý (triệu chứng), tác nhân gây bệnh, phòng và trị bệnh. Bảo tồn và phát triển nguồn gene cá trèn bầu trong tỉnh...

Qua thời gian thực hiện, đề tài đạt được một số kết quả nổi bật, như: xây dựng được một mô hình sản xuất giống cá trèn bầu tại Trường Đại học An Giang, quy mô: 2kg cá bố mẹ cho sinh sản, 50m3 bể ương, sản xuất được 20.000 con cá giống trèn bầu kích cỡ 1-2gr/con. Xây dựng một mô hình nuôi thương phẩm cá trèn bầu trong lồng của hộ ông Nguyễn Ngọc Phú Cường (thị trấn An Châu, Châu thành) quy mô: một bè cá 40m3, mật độ thả 100 con/m3. Kết quả đã xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trèn bầu trong lồng đạt 200kg, kích cỡ 50-100gr/con. Đã xây dựng quy trình sản xuất giống cá trèn bầu và quy trình nuôi thương phẩm cá trèn bầu trong lồng bè; xây dựng mô hình điểm sản xuất giống tạo ra được 20.000 con cá trèn bầu giống kích cỡ 1,0-2,0gr/con; 207kg cá trèn bầu thương phẩm (100gr/con).

Sản phẩm được dùng để tái tạo nguồn lợi ở búng Bình Thiên, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho cán bộ tham gia tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, đề tài đã hỗ trợ đào tạo 5 sinh viên đại học và 1 nghiên cứu sinh cho tỉnh; đào tạo 3 cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ sinh học và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang nắm được kỹ thuật nuôi và sinh sản.

ThS Lê Văn Lễnh kết luận, cá trèn bầu nuôi vỗ trong ao có tỷ lệ thành thục khá cao từ 66,7-77,8%, sử dụng thức ăn cá tạp và thức ăn công nghiệp cá đều thành thục sinh dục. Hệ số thành thục cá cái cao nhất là 13,88% và cá đực 1,43%. Sức sinh sản cá trèn bầu từ 167.149-238.736 trứng/kg cá cái. Nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng khi sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm khác nhau cho tăng trưởng tốt nhất ở nghiệm thức thức ăn cá tạp 100,15 - 12,11gr/con và thức ăn công nghiệp 30% đạm là thấp nhất 64,70 - 2,18gr/con.

Hệ số thức ăn cao nhất là nghiệm thức cho ăn cá tạp 4,81 và thấp nhất là sử dụng thức ăn công nghiệp 40% đạm 2,05. Tỷ lệ sống cao nhất ở nghiệm thức cho ăn cá tạp 80,83% và thấp nhất là nghiệm thức 30% đạm 70,30%. Nên sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi thương phẩm cá trèn bầu. Giá thành để sản xuất 1 con cá trèn bầu giống (3-5cm khoảng 300-500 con/kg) có giá thành khoảng 500 đồng/con. Nuôi thương phẩm cá trèn bầu trong bè có tỷ suất lợi nhuận 45%.

Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, kết quả đề tài nghiên cứu sẽ chuyển giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành; Trại cá giống Ba Phong; các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn An Giang có nhu cầu tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng theo quy định.

ThS Lê Văn Lễnh chia sẻ: “Cá trèn bầu có kích thước thường gặp 25,4-31cm ứng với khối lượng 90-180gr, kích cỡ tối đa đạt 50cm, là loài cá có chất lượng thịt thơm ngon nên từ lâu đã trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu trong thực đơn của người nội trợ. Lượng cá cung cấp cho thị trường là do đánh bắt ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước, khai thác thủy sản ngày càng gia tăng đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước và thủy sản làm cho lượng cá trèn bầu giảm rõ rệt”.

Để góp phần ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi cá trèn bầu tự nhiên, cũng như đa dạng sinh học các giống loài thủy sản và bảo tồn phát triển các loài cá bản địa trong điều kiện biến đổi khí hậu, nên việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm là biện pháp quan trọng để bảo vệ và phục hồi nguồn lợi cá trèn bầu. Do đó, nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu tại An Giang là cần thiết nhằm chủ động nguồn giống và đa dạng đối tượng nuôi thương phẩm loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao.

HẠNH CHÂU