Người chăn nuôi tiếp tục gặp khó

27/03/2018 - 05:35

 - “Cái khó hiện nay của người chăn nuôi heo, bò trong tỉnh là giá bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất, người nuôi thua lỗ nên không có sức tái đàn. Nông dân hiện rất cần sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước…” - bà Trần Thị Tuất (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ.

Bà Trần Thị Tuất gắn bó với nghề chăn nuôi heo trên 40 năm. Ngần ấy thời gian, bà chứng kiến biết bao thăng trầm của nghề nuôi heo lấy thịt nhưng chưa lúc nào tình hình chăn nuôi gặp khó như bây giờ.

Bà Tuất cho biết, cuối năm 2016 đến nay, nhiều người chăn nuôi heo như bà phải rời quê hương đi đến các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai… để làm thuê, làm mướn.

“Giá thành nuôi 1 kg thịt, thấp nhất phải là 30.000 đồng, vậy mà thời điểm tháng 4, tháng 5-2016, người nuôi chỉ bán được giá từ 22.000-23.000 đồng/kg, lỗ 7.000-8.000 đồng/kg. Nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít. Giá heo trên thị trường như thế thì sức nào chịu nổi, Nhà nước phát động giải cứu nhưng không thành công…” - bà Tuất bức xúc.

Bò nuôi muốn bán nhanh thì phải bán với giá thấp

Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, giá heo hơi trên thị trường dao động quanh mức 30.000 đồng/kg. Thời điểm này đa phần chuồng trại đã bỏ trống, nhiều người không còn heo để bán.

“Giá heo hơi vừa trở lại điểm hòa vốn cũng là lúc giá thức ăn tăng trở lại. Cụ thể, thức ăn Cargill (loại cho heo nhỏ) dao động từ 510.000-540.000 đồng/bao (25 kg), tăng từ 10.000-15.000 đồng/bao so với trước. Cám cho heo ăn hiện tại 5.700 đồng/kg, trước đó lên đến 6.200 đồng/kg, tất cả đều tăng làm cho giá thành nuôi tăng lên…”- bà Nguyễn Thị Lệ (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) thông tin.

Trước thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi heo, để duy trì sản xuất, nhiều hộ đã chuyển đổi hình thức nuôi từ cho ăn thức ăn công nghiệp sang sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, quán ăn. Hình thức này chủ yếu “lấy công làm lời”, vậy mà họ cũng không chống chịu nổi với cái khó.

Trở lại hộ chăn nuôi của bà Tuất, trong bối cảnh đầu ra gặp khó như hiện nay, bà Tuất đã giảm đàn nhưng vẫn chưa được vì thương lái đặt cọc mua nhưng đến nay vẫn chưa bắt. Có thời điểm, việc tiêu thụ gặp khó, bà Tuất nuôi mỗi con heo cân nặng gần 200kg mà vẫn chưa bán được.

“Trong lịch sử của ngành chăn nuôi heo cả nước, nhiều lần người nuôi heo phải nhờ Nhà nước tham gia giải cứu sản phẩm, vậy mà cái khó vẫn lặp đi, lặp lại. Đến thời điểm này, có bao nhiêu hộ chăn nuôi có được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, điều này cho thấy việc tái cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp chưa đạt được hiệu quả như mong muốn…”- ông Phan Nhật Tân (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) nhận định.

Thị trường heo hơi lên xuống bất thường gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Nếu con heo đang ở trong tình trạng đầu ra sản phẩm gặp khó thì đối với con bò tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Văn Châu (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) đang nuôi 40 con bò thịt lẫn bò cái sinh sản. Hơn 6 tháng qua, tình hình tiêu thụ gặp khó, ông muốn bán bớt bò để giảm đàn nhưng vẫn chưa bán được.

“Lái bò bây giờ rất nhiều, họ đến chuồng xem chứ mua không được, bởi giữa người bán và người mua không gặp nhau ở giá cả. Con bò trước đây bán được giá 30 triệu đồng, nay thương lái chỉ trả 22 triệu đồng, trong khi thức ăn viên cho bò luôn tăng, nhân công cắt cỏ cũng tăng mà giá bán lại giảm…” - ông Châu chia sẻ.

Không chỉ có gia đình ông Châu gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm, mà các hộ chăn nuôi bò theo mô hình 3B (bò, bắp, bioga) ở các địa phương như: An Thạnh Trung, thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới), Vĩnh Trung, Văn Giáo (Tịnh Biên) cũng vậy. Nhiều thương lái đến chuồng xem đi, xem lại nhiều lần, rồi trả giá thấp.

“Qua theo dõi báo, đài tôi thấy việc nhập quá nhiều thịt trâu, bò vào bán thị trường trong nước, điều này rất bất lợi cho người chăn nuôi. Các nước phát triển, nông dân chăn nuôi bò, heo với giá thành thấp, vì vậy giá bán sản phẩm cũng thấp, trong khi người chăn nuôi trong cả nước luôn phụ thuộc vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, họ nắm giữ khâu sản xuất, phân phối thức ăn, vì vậy chỉ cần giá bán sản phẩm tăng một ít thì giá thức ăn tăng theo, người chăn nuôi luôn bị động…” - bà Tuất nói.

Nông dân trong tỉnh đang mong chờ một mô hình chăn nuôi mang tính bền vững mà ở đó người chăn nuôi lẫn người thu mua sản phẩm đều có lãi, Nhà nước điều tiết được sản xuất, kiểm soát được giá cả nguyên liệu đầu vào để nông dân an tâm sản xuất, đẩy mạnh tái đàn để phát triển ngành chăn nuôi một cách tốt nhất.

“Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng đa phần những sản phẩm chính như: bắp, đậu nành, bột xương thịt, bột cá đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại nắm và chi phối thị trường này, từ đó giá thức ăn ngày càng tăng, trong khi giá bán sản phẩm của nông dân tăng không đáng kể, có năm sụt thê thảm. Một nghịch lý nữa là mỗi năm nước ta phải chi trên 1 tỷ USD để nhập khẩu thịt trâu, bò… Việc này càng gây khó khăn cho người chăn nuôi” - ông Nguyễn Thành Tâm (hộ chăn nuôi ở xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) bức xúc

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN