Người dân phòng cúm khi dự báo thời tiết nồm ẩm kéo dài
13/02/2025 - 13:43
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc cúm, trong đó, người già và trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao.
AA
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Số liệu này dự báo tăng thêm khi Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn thời tiết nồm ẩm, là yếu tố thuận lợi cho virus cúm phát triển. Để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh cúm, nhiều người dân Thủ đô chủ động tăng cường dinh dưỡng, hạn chế tiếp xúc, tiêm phòng vaccine…
Mắc nhiều ở người già, trẻ nhỏ
Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều bệnh nhân phải nhập viện do mắc cúm A, trong đó có những ca biến chứng nặng. Mới đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kết hợp và một số trường hợp là phụ nữ mang thai. Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thời điểm này đang điều trị cho nhiều trường hợp mắc cúm nặng, suy hô hấp và phải thở máy, đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu.
Không chỉ người cao tuổi, người có bệnh mạn tính và trẻ nhỏ khi mắc cúm A dễ diễn biến nặng. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị khoảng 10 bệnh nhi mắc cúm, trong đó có những ca biến chứng nặng. Các bác sĩ cho biết, thông thường bệnh diễn biến nhẹ, có thể hồi phục sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm mùa có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm.
Theo số liệu từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), khoảng 1 tuần đầu tháng 2/2025, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trường hợp mắc cúm A, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, người mắc chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi. Những bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện thường có biểu hiện bệnh nặng, biến chứng viêm phổi. Bệnh viện Xanh Pôn phân luồng khám riêng cho những bệnh nhân mắc cúm tránh lây lan sang các bệnh nhân khác. Bệnh viện có những khu khám riêng cho bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội thông tin, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó virus cúm A và B là 2 chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa cũng như trường hợp tản phát và đợt bùng phát ngoài mùa cúm.
Thời gian ủ bệnh dao động từ 1 đến 4 ngày (trung bình là 2 ngày). Bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Hầu hết trường hợp mắc bệnh thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).
Tăng tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng cúm
Khu vực xét nghiệm và test cúm cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Trước tình hình số ca mắc cúm gia tăng trong thời gian gần đây, lượng người dân chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh cúm ngày càng gia tăng, trong đó người cao tuổi, người có bệnh nền chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài ra, nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine cúm do lo ngại con bị lây nhiễm ở trường học. Tại một số điểm tiêm chủng ghi nhận tình trạng quá tải, người dân phải xếp hàng chờ đợi hoặc phải ra về chờ lịch hẹn vì hết vaccine.
Đưa cả nhà gồm 4 người đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để tiêm phòng cúm, trong đó có 2 người già gần 80 tuổi và 1 trẻ em, gia đình anh Bùi Tiến Dũng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi biết sẽ đông nên tới sớm nhưng vẫn phải chờ khá lâu. Nhà có người già, trẻ con nên phải tiêm cho yên tâm, hơn nữa nồm ẩm dự báo sẽ kéo dài nên đông mấy tôi cũng cố chờ”.
Còn chị Vũ Ánh Nguyệt (quận Tây Hồ, Hà Nội) đưa hai con đã lớn đi tiêm vì sợ các con mắc cúm làm ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình học tập, ôn thi của con. “Cứ đến mùa đông là gia đình tôi lại đi tiêm phòng cúm để giảm nguy cơ mắc và nếu có mắc thì cũng bị nhẹ. Ngoài ra, tôi chú ý hơn đến sinh hoạt, bữa ăn trong gia đình để nâng cao sức đề kháng cho cả nhà”, chị Vũ Ánh Nguyệt chia sẻ.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm những ngày qua đang tăng mạnh, các điểm tiêm đều đông lên, có điểm tiêm tăng gấp đôi, gấp ba.
“Thông thường vaccine không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Do đó, để vaccine đạt khả năng phòng dịch tối đa, người dân cần chủ động tiêm vaccine định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tiêm đón đầu cho mùa dịch", ông Khổng Minh Tuấn cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng cho rằng, vaccine cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện. Việc người dân tăng cường tiêm vaccine cúm cho thấy, ý thức tiêm vaccine là phương pháp bảo vệ tối ưu trước các bệnh truyền nhiễm ngày càng nâng cao và nhân rộng ra cộng đồng. Tiêm chủng phòng bệnh không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người yếu thế... Đặc biệt, vaccine cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong do cúm.
Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, để chủ phòng cúm mùa, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang thường xuyên, che miệng khi hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực nâng cao thể trạng.
Người dân hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus, cần theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc; tiêm vaccine chủ động phòng bệnh cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả...
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: