Có đất nhưng thích làm kinh tế nên mang đất cho thuê lấy tiền xây bồn nuôi cá lóc. Tuy nhiên, công việc nuôi cá không bao lâu chú Ba Thum gặp phải chuyện không may, trong một lần tiếp cận máy đang xay thức ăn cho cá đã lấy mất đi gần nửa bàn tay phải. Từ đó, cơ duyên với công việc xã hội đến với chú nay gần 15 năm.
Chú Ba Thum kể: “Sau khi bị tai nạn, máy xay thức ăn cắt mất hết các ngón tay phải nên tôi không làm gì được nữa, chỉ ở nhà. Năm 2005, thấy bà con xung quanh khu vực ngang con kênh qua lại cây cầu ván chừng 1,5m vất vả, có nhiều người bị rơi xuống kênh do cầu không có lan can bảo vệ.
Thương nhất là các cháu học sinh có lúc qua cầu gặp mưa trơn trợt rơi “bùm” xuống kênh ướt hết tập vở. Nhiều lúc cả phương tiện là xe gắn máy cũng hay bị rơi. Mỗi khi nghe tiếng, tôi từ trong nhà mang dây thừng chạy ra cùng hàng xóm xúm lại kéo lên…”.
Chú Ba Thum và cây cầu Năm Trung (Mương Thơm “2”)
Từ hình ảnh người dân gặp sự cố khi qua cầu ván như vậy, chú Ba Thum cùng chú Huỳnh Văn Tằn (Năm Trung, sinh năm 1947) tìm cách xây cầu bê-tông để người dân qua lại an toàn. Nhắc đến chuyện xây cầu thì chú Năm Trung nhớ lại, thấy bà con hay té kênh nên anh em nhờ người thiết kế báo kinh phí, rồi đi vận động nhà hảo tâm. Lúc bấy giờ, ước tính kinh phí gần 150 triệu đồng nên hơn nửa tháng chia nhau tìm người vận động mà chẳng xong.
Trong lúc ngỡ như không có cách nào thì rất may gặp được người quen giới thiệu người có kỹ thuật, tay nghề thiết kế với giá thành thấp, nên anh em cùng nhau đi qua tận Đồng Tháp xem công trình và nhờ ước tính lại kinh phí, chỉ hơn 60 triệu đồng.
Thấy vậy, tất cả cùng nhau vận động bà con chung tay đóng góp nhưng mọi người vẫn chưa tin tưởng, nên lúc đầu anh Ba Thum đứng ra chỉ huy và mua thiếu vật tư rồi vừa làm, vừa vận động. Trong đó có sự hỗ trợ tiếp sức của chính quyền địa phương nên không bao lâu cầu hoàn thành”. Sau khi thành công với cây cầu bê-tông đầu tiên, người dân ai nấy đều đồng tình ủng hộ với cách làm đầy thuyết phục của chú Ba Thum và cũng chính từ đây việc xây dựng cầu, đường nông thôn từ thiện kết duyên cùng chú.
Không chỉ vận động, chỉ huy để xây cầu, sửa đường ở địa phương mà chú Ba Thum còn đến cả những địa phương khác nếu ai có nhu cầu. Với một phần cơ thể không trọn vẹn nhưng chú Ba Thum vẫn luôn lạc quan và vui vẻ với công việc “không ăn lương” của mình, chú Ba Thum chia sẻ: "Khi bắt đầu công việc có rất nhiều người cùng tham gia vì nghĩ rằng sẽ có được tiền công. Tuy nhiên, sau thời gian thấy tôi không lấy tiền của ai nên mọi người cũng giảm đi theo thời gian. Hiện, chỉ còn một mình, nếu nơi nào cần giúp mà khoảng cách hơn 10km thì sáng tôi đạp xe đi, chiều đạp xe về, còn xa thì có xe đến rước. Mỗi lần đi công trình, thời gian dài nhất là 20 ngày”.
Nông dân không một ngày qua trường lớp nhưng với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, rút kết từ kinh nghiệm xung quanh nên chú Ba Thum đã xây cất được cầu bê-tông chất lượng, giá thành thấp so với nhiều người.
Nhắc đến lĩnh vực này, chú Ba Thum tự tin cho biết: “Sau khi thành công với cây cầu đầu tiên và học hỏi nhiều kinh nghiệm, việc áp dụng các kỹ thuật và tính toán chi phí các cây cầu đều đảm bảo tốt, an toàn về chất lượng và tải trọng. Bởi trước khi xây dựng, tôi khảo sát địa lý và khả năng kinh phí của địa phương để chọn áp dụng kỹ thuật phù hợp và đảm bảo an toàn”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Thạnh Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: “Địa phương có được người như chú Ba Thum là rất vui mừng. Bởi những việc làm của chú có ý nghĩa cho xã hội và được chính quyền địa phương, mọi người đồng tình ủng hộ. Do làm việc xã hội nên cuộc sống gia đình chú Ba Thum không mấy khá giả nên địa phương sẽ thường xuyên quan tâm giúp đỡ nếu chú gặp khó khăn. Qua đó, mong chú tiếp tục công việc từ thiện, đóng góp một phần công sức cho xã hội”.
Gần 15 năm qua, chú Ba Thum tham gia vận động, đóng góp xây dựng gần 50 cây cầu nông thôn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, TP. Long Xuyên về thành tích trong hoạt động lĩnh vực xã hội hóa và an sinh xã hội…
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG