Nhân rộng mô hình gia đình và dòng họ học tập

08/07/2020 - 07:27

 - Nhân rộng mô hình gia đình và dòng họ học tập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học tỉnh An Giang từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập suốt đời…

Dòng họ học tập của ông Nguyễn Thành Thu (xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới)

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương Hội, những năm qua Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng đề án để thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập. Việc thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trở thành một trong 8 hoạt động trọng tâm của công tác hội.

“Ngay từ những ngày đầu năm mới, chính quyền và Hội Khuyến học các cấp tiến hành vận động cá nhân, đơn vị đăng ký thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, tổ chức đoàn kiểm tra, công nhận. Với cách làm đó, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã công nhận được 242.082 “Gia đình học tập”, tăng 31.064 gia đình so năm 2018; có 426 “Dòng học học tập”, 3.427 “Cộng đồng học tập” và 1.246 “Đơn vị học tập”, tăng 417 đơn vị so năm 2018”- ông Dũng chia sẻ.

Đối với An Giang, những năm qua, việc thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã trở thành một phong trào phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Các địa phương: Chợ Mới, Thoại Sơn, Tân Châu, Phú Tân là những nơi có phong trào phát triển mạnh. Nếu ở huyện Chợ Mới có Dòng họ học tập của ông Nguyễn Thành Thu thì ở thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn) có gia đình bà Đỗ Thị Phỉ. Bà Phỉ xuất thân từ một nông dân nghèo ở vùng nông thôn, trình độ văn hóa không cao, công việc chủ yếu là nội trợ nhưng bà không ngừng nỗ lực vượt qua nghèo khó, cùng với chồng chăm lo dạy dỗ 7 đứa con học hành đến nơi đến chốn, trở thành những giáo viên, viên chức của nhà nước.

Bà Đỗ Thị Phỉ cho biết, gia đình bà sống chủ yếu dựa vào 10 công đất ruộng. Con đông, thu nhập không đủ sống, gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Để có tiền lo cho các con ăn học (mặc dù bị nhiều thứ bệnh, sức khỏe kém), chồng bà vẫn phải ra đồng giăng câu, đặt lọp vào mùa nước nổi; làm cỏ, xịt thuốc sâu cho lúa vào mùa khô, làm mướn để kiếm thêm tiền… Những lúc quá thiếu thốn, vợ chồng bà phải vay mượn trong bà con thân tộc để có tiền cho việc học hành của các con.

“Khi chồng mất, một mình tôi phải đối mặt với những gánh nặng, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Song vì thương con nên tôi phải nỗ lực phấn đấu. Thời gian qua, các con tôi luôn là động lực, niềm động viên giúp tôi có thêm nghị lực và quyết tâm vượt qua khó khăn. Tôi luôn suy nghĩ, phải cho các con ăn học đến nơi đến chốn để thay đổi số phận” - bà Phỉ tâm sự.

Bằng quyết tâm và nghị lực, bà Phỉ đã hướng dẫn các con đầu vừa học, vừa lao động để có thu nhập chăm lo cho cuộc sống gia đình và tạo điều kiện cho những đứa con nhỏ khác được đến trường. Ý thức được gia đình mình nghèo, thương mẹ tảo tần làm việc và tiết kiệm trong chi tiêu, các con của bà tự bảo ban nhau cùng cố gắng học hành đạt kết quả cao, đứa lớn chỉ dạy đứa nhỏ, mỗi đứa tự lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và rèn luyện.

Từ sự nỗ lực đó, hiện gia đình bà có 7 đứa con ruột và 6 con dâu, rể đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 1 con trai là thạc sĩ đang là giảng viên của Trường Đại học An Giang. Với sự nỗ lực vượt qua nghèo khó, không cho con bỏ học giữa chừng, quyết tâm nuôi dạy các con ăn học thành đạt, trở thành những công dân có ích cho xã hội, gia đình bà Đỗ Thị Phỉ được bình chọn là “Gia đình học tập”, được cử đi dự Đại hội biểu dương Gia đình học tập tiêu biểu tỉnh An Giang, giai đoạn 2014-2019.

Nhân rộng mô hình gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra công nhận các danh hiệu gắn với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ở các xã được công nhận nông thôn mới và các phường, thị trấn đã được công nhận đô thị văn minh, Chủ tịch Hội Khuyến học cấp xã phối hợp Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức kiểm tra tất cả các ấp là cộng đồng học tập và đơn vị của xã (trường học, trạm xá, hợp tác xã…) là đơn vị học tập. Sau đó, báo cáo và đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học kiểm tra công nhận xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu đơn vị học tập cấp xã.

Bài, ảnh: BẢO MY - MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích