Nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài nguyên và môi trường

06/02/2020 - 07:40

 - Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tập trung, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao để hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí cho biết, toàn ngành quyết liệt hành động để thực hiện cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020, tạo điều kiện để xây dựng chỉ tiêu, KTXH cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung nguồn lực để nâng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện đại hóa hệ thống quản lý ngành với hồ sơ địa chính chính quy; tăng cường năng lực quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường và không khí; xử lý các khu, điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải bảo vệ thực vật, tăng cường công tác quản lý nhà nước ở các cấp, ngành về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD); chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.

Cụ thể, ngành TN&MT tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản lý TN&MT.  Kịp thời tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai các bộ luật chuyên ngành và các chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phát triển quỹ đất đáp ứng yêu cầu đầu tư. Đồng thời, tham mưu ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư và SXKD trong lĩnh vực TN&MT.

Tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Thành cho biết, ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực tham mưu và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực ngành; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính và kiểm soát công vụ trong toàn ngành. Song song với hiện đại hóa hệ thống quản lý ngành với hồ sơ địa chính chính quy, cơ sở dữ liệu một cấp về TN&MT thống nhất, đồng bộ làm cơ sở cho công tác quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đối với vấn đề môi trường, sẽ tăng cường kiểm soát, kiềm chế mức độ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động SXKD và tập trung xử lý dứt điểm các khu, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiên quyết không triển khai các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng. Trong đó, tập trung triển khai dự án cơ sở dữ liệu môi trường và hạ tầng truyền, nhận số liệu quan trắc liên tục, tự động; triển khai thực hiện dự án đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường 3 bãi rác (giai đoạn 2); xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư đóng cửa, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường 27 bãi rác sinh hoạt và quan trắc môi trường các hố tiêu hủy heo chết do bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Tập trung xử lý các điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường

Tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao ý thức bảo vệ TN&MT, tạo sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Nâng cao chất lượng quan trắc, giám sát và cảnh báo các sự cố môi trường, sạt lở bờ sông và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Hoàn thành “Xây dựng cập nhật kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh An Giang”. Triển khai các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, ngành TN&MT tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm và xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa đối với 5 huyện và việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 3 dự án; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với 2 doanh nghiệp… Tăng cường giám sát địa bàn, kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản không phép, trái phép.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH