Nhiều bất cập liên quan đến sách giáo khoa

03/10/2023 - 06:37

 - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 “giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông” (Nghị quyết 686).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo Nghị quyết 686, chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, việc thực nghiệm, đánh giá tác động với những nội dung đổi mới chưa được chú trọng. Nghị quyết 686 nêu rõ những bất cập khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết 88; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; công tác quản lý, điều tiết giá SGK.

Việc thực nghiệm SGK chưa đúng mức, thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Trong phát hành SGK, cung ứng còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Trước thềm năm học mới, một số đầu sách thiếu cục bộ, gặp khó khi mua  sách ngoài thị trường. Phát hành sách giả diễn ra phức tạp, in sách lậu xảy ra. SGK mới phát hành chậm, giáo viên ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng đến dạy học.

Về lựa chọn SGK tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định chưa chặt chẽ, cách triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo kẽ hở cho trục lợi. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) làm giáo viên gặp khó trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều nơi còn chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách, ảnh hưởng đến cung ứng.

Giá sách tăng 2 - 4 lần

Nội dung kết luận tại Nghị quyết 686 nêu, giá bộ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2 - 4 lần giá sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Thống kê từ năm 2020 - 2022 cho thấy, có 381 đầu SGK mới được xuất bản; 194 triệu bản SGK mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành. Chi phí phát hành tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa; sách bài tập là 33%; sách giáo viên là 15%.

Mức chiết khấu ở năm học 2022 - 2023 lần lượt là 28,5%, 35%, 15%. Số đầu sách tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Giá SGK môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng nhiều lần. Người học bắt buộc phải mua, còn sách phát hành số lượng lớn nhưng chi phí phát hành chưa phù hợp.

Làm rõ sai sót với môn Lịch sử

Với vấn đề sai sót môn Lịch sử, Nghị quyết 686 nêu rõ, quy định về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học. Quốc hội đã thảo luận, 2 lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai sót trong môn Lịch sử.

Nghị quyết 686 chỉ rõ nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh. Việc tổ chức các môn học mới (mỹ thuật, âm nhạc...), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp THPT còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.

Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp THCS chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy. Bên cạnh việc đánh giá về kết quả thực hiện các nghị quyết trong giai đoạn 2014 - 2022, Nghị quyết 686 chỉ ra những hạn chế khi thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Từ hạn chế đến giải pháp

Nghị quyết 686 chỉ rõ, chương trình giáo dục phổ thông có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng; điều kiện kinh tế - xã hội các địa phương khác nhau; nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn khó khăn. Nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó giữ chân đội ngũ giáo viên; trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh các địa bàn có sự chênh lệch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; có hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, SGK; không tổ chức biên soạn được một bộ SGK; giá các bộ SGK có tỷ lệ chiết khấu cao; hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông chưa thống nhất.

Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông. Về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá đổi mới theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống, thực hiện ở tất cả cơ sở giáo dục. Đây là điểm tích cực, giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Trong thi cử, kiểm tra, đánh giá chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực của người học.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý để giảm giá SGK. Bảo đảm trong việc mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp THPT; xúc tiến sửa chữa, khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong các SGK đã phát hành; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết 88 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Cùng với đó, nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

N.R