Nhiều cơ hội việc làm cho lao động sau dịch bệnh COVID-19

28/12/2021 - 07:11

 - Trong giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp (DN) ra sức phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời gia tăng nhu cầu tuyển dụng, mở ra cơ hội mới cho lực lượng lao động trở lại làm việc. Để kết nối thị trường lao động sau dịch COVID-19, rất nhiều giải pháp đã và đang được đơn vị, DN, địa phương triển khai, với mục tiêu hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ).

Người lao động ảnh hưởng việc làm bởi dịch bệnh COVID-19 tham gia học chuyển đổi nghề nghiệp

Chị Nguyễn Minh Châu (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, tình hình công ty rất khó khăn. Nhiều công nhân được cho nghỉ tạm thời, một số khác giảm lương, số còn lại phải bỏ việc trở về quê. Chị Châu nằm trong nhóm cuối cùng, nay quyết định tìm công việc mới thông qua sàn giao dịch việc làm. “Thời điểm này, nhiều công ty có chế độ đãi ngộ khá tốt để kêu gọi NLĐ làm việc trở lại. Tôi hy vọng tìm được chỗ làm thích hợp. Ngoài công việc và thu nhập ổn định, công ty có thể đảm bảo an toàn cho công nhân, phòng tránh dịch bệnh” - chị Châu chia sẻ.

Chị Đổ Thị Cẩm Tú (ngụ xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) cho biết, chị nộp hồ sơ để đi làm cho công ty của Hàn Quốc, có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai. Chị Tú rất mừng khi tìm được việc làm sau nhiều tháng không có thu nhập. Trước mắt, chị được test COVID-19 trước khi đi làm, có xe đưa lên công ty miễn phí, giúp tìm nhà trọ và hỗ trợ 50% tiền trọ trong tháng đầu tiên. Công ty cam kết nội dung phòng, chống dịch, như: Test COVID-19 miễn phí định kỳ, có xe đưa rước hàng ngày, bố trí làm việc “3 tại chỗ” nếu tình hình diễn biến phức tạp.

Cuối tháng 10-2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ phối hợp các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Đến nay, các nhà máy, xí nghiệp đang thích ứng an toàn và khôi phục sản xuất. Vì vậy, nhu cầu lao động đang tăng lên, với 116 đơn vị tham gia tuyển dụng cho khoảng 31.000 vị trí việc làm ở các ngành nghề. Nhằm giúp NLĐ trong tỉnh sớm tìm kiếm việc làm ổn định, quay lại với thị trường lao động sau dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang kết nối Trung tâm Dịch vụ việc làm với các tỉnh lân cận, công ty, doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng lao động.

Qua khảo sát, các công ty tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cần tuyển hơn 10.000 lao động (ở ngành nghề may, giày, nhựa, inox…). Trong khi đó, công ty tại TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành… cần tuyển trên 6.000 lao động (thuộc nghề may giày, ba lô túi xách, thủy sản, chăn nuôi…). Ngoài lao động phổ thông được tuyển dụng với số lượng lớn, công ty còn tuyển dụng lao động theo trình độ, có chuyên môn, như: Kế toán, kỹ sư điện, nhân viên kỹ thuật, thống kê, quảng cáo, chăm sóc khách hàng…

Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang, nhiều công ty ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai giới thiệu chính sách ưu đãi để thu hút NLĐ vào làm việc, như: Hỗ trợ tiền xe, hoặc có xe đưa đón lên công ty (nếu số lượng nhiều). Bên cạnh lương, thưởng theo quy định, công ty hỗ trợ thêm chi phí thời gian đầu làm việc, chi lương khi công nhân không may trở thành F0, có ký túc xá miễn phí cho NLĐ, hưởng trợ cấp đi lại và lưu trú, hỗ trợ tìm nhà trọ… Không những vậy, sau khi trải qua giai đoạn dịch bệnh, các công ty chủ động phương án để tổ chức môi trường làm việc an toàn hơn cho NLĐ.

Tín hiệu phục hồi của thị trường lao động khá tích cực, dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine cho người dân và chính sách hỗ trợ đối với DN, NLĐ. Khi thông tin về nơi tuyển dụng, địa phương còn lưu ý những DN có uy tín, cam kết rõ ràng, có đãi ngộ giai đoạn đầu khi đến DN làm việc và tăng phúc lợi khi DN hoạt động hiệu quả. Lao động có nhu cầu khác, như: Tìm việc làm trong tỉnh, vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, học nghề... cũng được khảo sát, nắm bắt để sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời.  

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19) đã chú trọng khuyến khích NLĐ tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Điều này rất cần thiết, bởi trong khi một số lĩnh vực gia tăng tuyển dụng, một số ngành còn lại vẫn hoạt động hạn chế. Tham gia lớp đào tạo ngắn hạn là giải pháp cần thiết để được trang bị tay nghề cơ bản. Bản thân NLĐ cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chuyển đổi công việc để dễ kiếm việc làm trong bối cảnh hiện nay.

MỸ HẠNH