Bộ Y tế Malaysia ngày 29-5 thông báo nước này có thêm 9.020 ca Covid-19. Đây là số ca mới trong ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia Đông Nam Á này, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 558.534.
Trong nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2 thêm lây lan, chính phủ Malaysia trước đó một ngày thông báo phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 1 đến 14-6. Theo Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, chỉ những lĩnh vực kinh tế và dịch vụ thiết yếu mới được phép hoạt động.
Malaysia thông báo bước đi trên sau khi số ca mới và trường hợp tử vong vì Covid-19 tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5, bất chấp lệnh kiểm soát đi lại (MCO) được thực thi trong 3 tuần. Theo ông Yassin, số ca mới hằng ngày đã vượt mức 8.000 và hơn 70.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, gây sức ép mạnh lên hệ thống y tế toàn quốc.
Theo báo The Straits Times (Singapore), nhà lãnh đạo Malaysia cũng công bố chiến lược thoát khỏi sự phong tỏa nghiêm ngặt nói trên nếu số ca Covid-19 giảm. Cụ thể, nước này sẽ bước vào giai đoạn 2 kéo dài 4 tuần, trong đó một số lĩnh vực được phép hoạt động lại, miễn là những hoạt động kinh tế này không đòi hỏi tập trung đông người. Nếu tình hình tiếp tục cải thiện, các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng hơn nữa trong giai đoạn 3.
Một số hiệp hội doanh nghiệp Malaysia bày tỏ sự ủng hộ dành cho đợt phong tỏa sắp tới nhưng kêu gọi chính phủ cung cấp thêm thông tin và hy vọng sẽ có giải pháp để giúp các công ty vượt khó. Trong nỗ lực trấn an dư luận, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết Bộ Tài chính sẽ đưa ra gói hỗ trợ dành cho người dân và các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng.
Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Gelugor, bang Penang - Malaysia ngày 29-5 sau khi chính phủ thông báo lệnh phong tỏa toàn quốcẢnh: Reuters
Lần phong tỏa toàn quốc trước đó của Malaysia diễn ra hồi tháng 3-2020. Tác động của dịch Covid-19 khiến kinh tế Malaysia sụt giảm 5,6% trong năm ngoái và nước này từng hy vọng kinh tế sẽ hồi phục trong năm nay với mức tăng trưởng lên đến 7,5%.
Trong khi đó, cuộc chiến chống Covid-19 tại Campuchia vừa nhận được cú hích sau khi Thủ tướng Hun Sen ngày 29-5 khẳng định sẽ cung cấp vắc-xin Covid-19 cho 10 triệu người dân vào đầu năm 2022. Đất nước có 16 triệu dân này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 2 và hiện có hơn 2,46 triệu người được tiêm vắc-xin. Theo Thủ tướng Hun Sen, Campuchia sẽ nhận thêm 4,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong tháng 6. Thông tin này được đưa ra giữa lúc Campuchia ghi nhận thêm 588 ca Covid-19 mới trong ngày 29-5, nâng tổng số ca mắc lên 28.825 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này có thêm 4.803 ca mới và 34 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, có đến 2.702 ca mới được phát hiện trong các nhà tù đông đúc. Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan hôm 28-5 phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Công ty Sinopharm (Trung Quốc) để sử dụng khẩn cấp. Đây là loại vắc-xin Covid-19 thứ 5 được cho phép sử dụng tại Thái Lan, bên cạnh sản phẩm của các hãng Sinovac (Trung Quốc), AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Johnson & Johnson và Moderna (Mỹ).
Còn tại Trung Quốc, chính quyền TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 29-5 cho phong tỏa một số con đường và yêu cầu người dân địa phương ở lại trong nhà để xét nghiệm giữa lúc sự bùng phát của số ca Covid-19 mới đang gây nhiều quan ngại. Theo truyền thông Trung Quốc, chính quyền TP Quảng Châu cho đến nay đã ghi nhận 20 ca mới kể từ khi ca đầu tiên (một cụ ông 75 tuổi) được phát hiện hôm 21-5. Phần lớn ca mới đều sinh sống cùng ca đầu tiên hoặc ăn chung với người này tại các địa điểm trong nhà.
Đáng chú ý, ổ dịch ở Quảng Châu đã lây sang TP Phật Sơn lân cận sau khi có 3 ca được ghi nhận ở đó ngày 29-5.
Theo HOÀNG PHƯƠNG (Người Lao Động)