Nhiều tâm tư của người lao động gửi đến lãnh đạo tỉnh

23/06/2022 - 07:40

 - Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn viên, công nhân lao động là hoạt động mang tính định kỳ được công đoàn duy trì tổ chức hàng năm (đến nay là năm thứ 7). Hoạt động này đã trở thành cầu nối thực chất để lãnh đạo tỉnh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những phản ánh, kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) trên địa bàn.

Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh không tham mưu tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động. Thay vào đó, chỉ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị từ đoàn viên, NLĐ trong các doanh nghiệp (DN) có tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và đề xuất UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan trả lời.

Thông qua LĐLĐ tỉnh, các sở, ngành liên quan đã trả lời các nội dung NLĐ quan tâm, như: Lao động khám bệnh vào ngày nghỉ cuối tuần được thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, tăng cường công tác thanh - kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật lao động, hoạt động công đoàn của các DN. Những vấn đề mang tính “dài hơi” cũng được NLĐ kiến nghị và nhận được trả lời về công tác đào tạo nghề, nhà ở xã hội, tăng cường quản lý chặt chẽ các quán ăn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho NLĐ cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh gần khu công nghiệp…

Hôm nay (23/6), LĐLĐ tỉnh kết nối trở lại hoạt động đối thoại để đoàn viên, NLĐ được trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình đến lãnh đạo tỉnh. Để chuẩn bị buổi đối thoại, các cấp công đoàn đã thông tin, tập hợp ý kiến rộng rãi trong công nhân lao động. Đa số lao động ở các công đoàn cơ sở DN mong muốn có chính sách hỗ trợ bình ổn giá các mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, giá nhiên liệu xăng, dầu, gas để NLĐ giảm bớt khó khăn, yên tâm lao động sản xuất. Hiện nay, các khu công nghiệp thu hút và giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động trong tỉnh. Đi kèm theo đó, NLĐ mong muốn tỉnh có chủ trương chỉ đạo các ngành chức năng thành lập thêm nhiều nhà trẻ có uy tín, giá ưu đãi để công nhân lao động gửi con, an tâm đi làm, nhất là ở những nơi gần công ty, nơi làm việc.

Người lao động tìm hiểu các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình

Nhiều NLĐ ở Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) muốn biết về tình hình hoạt động thời gian tới của Trường Mầm non Công đoàn. Bởi cơ sở đã hoàn thiện quá trình xây dựng, nhưng chưa rõ thời gian chính thức hoạt động và có những điều kiện dành riêng cho công nhân hay không (có nhận trẻ ngày thứ bảy, ngoài giờ hành chính không, chi phí thế nào…).

Liên quan về chính sách nhà ở, đơn cử tại Công ty May xuất nhập khẩu Đức Thành, Ban Giám đốc đã duyệt cho công đoàn cơ sở của 3 công ty 4.288m2 đất ở. Trong đó, 3.053m2 là đất được quy hoạch theo dạng nhà phố liền kề, phần còn lại là đất quy hoạch nhà ở xã hội (nằm trong dự án đã được phê duyệt xây dựng từ năm 2019). Tuy nhiên, do diện tích sử dụng đất theo dự án trung bình từ 80-100m2/căn, khá lớn so với nhu cầu sử dụng, kéo theo giá trị xây dựng cao, không phù hợp với NLĐ có thu nhập thấp.

Ban Giám đốc Công ty May xuất nhập khẩu Đức Thành kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cho các sở, ngành chức năng hỗ trợ và đề xuất các chủ trương chính sách phù hợp để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho công nhân lao động an cư lạc nghiệp. Cụ thể, xin điều chỉnh phần diện tích đất nêu trên thành nhà ở xã hội (thấp tầng) từ 40-50m2/căn và ước tính giá trị khoảng 400-500 triệu đồng/căn (giá trị đất từ 200-250 triệu đồng/nền, giá trị xây dựng nhà từ 200-250 triệu đồng/căn). Công nhân sẽ trả trước 50% khi nhận nhà và phần còn lại trả chậm từ 7-10 năm không lãi suất, diện tích đất công ty tặng cho NLĐ.

Đại diện các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra pháp luật lao động, có văn bản yêu cầu các DN phải thực hiện nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn 2%, vì trên thực tế còn nhiều DN chưa quan tâm thực hiện tốt các nội dung này.

Hiện nay, tình trạng NLĐ làm việc tại các DN chưa được ký kết hợp đồng lao động xảy ra nhiều trong các DN, dẫn đến hệ lụy NLĐ mất nhiều quyền lợi như không được tham gia các loại bảo hiểm, không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Do đó, tỉnh cần chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý nghiêm đối với những DN vi phạm về việc ký kết hợp đồng lao động.

Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn đề xuất các giải pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tín dụng đen trong DN. Nhiều DN kiến nghị cần được gỡ khó, hỗ trợ trong công tác tuyển dụng lao động và khắc phục những bất cập, tiêu cực về tình hình cạnh tranh lao động.

Những ý kiến, kiến nghị của NLĐ và công đoàn các cấp được đánh giá là những nội dung xác đáng, cấp thiết để trình đến lãnh đạo tỉnh kịp thời có những giải pháp, định hướng giải quyết. Cùng với những câu hỏi trực tiếp do đoàn viên, NLĐ trình bày tại buổi tọa đàm, các vấn đề trên sẽ được sở, ngành có liên quan tham gia giải trình cho NLĐ. Từ đó, khẳng định được tính thiết thực, ý nghĩa của việc tổ chức tọa đàm hàng năm, thỏa mãn mong đợi của NLĐ.

MỸ HẠNH