"Dĩ bất biến ứng vạn biến"
Theo bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Nghị quyết 30/2021/QH15 là một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, đưa ra trong bối cảnh đặc biệt nhiều khó khăn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Leo Thị Lịch phát biểu tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là lúc dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Theo thường lệ, Kỳ họp đầu tiên của một nhiệm kỳ thường đặt trọng tâm vào kiện toàn nhân sự, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường với 5 Bộ trưởng nghe báo cáo các vấn đề liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19. Ngay sau phiên họp gấp đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lần đầu tiên có sáng kiến lập pháp “ứng vạn biến”, đó là vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao.
Sáng 24/7/2021, các đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường Diên Hồng đã bấm nút đồng ý bổ sung vào chương trình kỳ họp những đề xuất của Chính phủ. Tận dụng tối đa thời gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp với các cơ quan liên quan xem xét dự thảo tờ trình của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nhanh chóng chỉnh sửa lại tờ trình theo hướng tăng quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chiều cùng ngày, các nội dung Chính phủ trình Quốc hội đã có sự thay đổi lớn, theo đó, Chính phủ được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật định để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống COVID-19.
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu sôi nổi thảo luận về các giải pháp khả thi, các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch. Sau đó, 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó phần lớn dung lượng là các giải pháp chưa có tiền lệ được trao cho Chính phủ để tăng cường phòng, chống dịch.
Cũng theo bà Leo Thị Lịch, sự ra đời của Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về cơ chế, chính sách, giúp việc thực hiện các giải pháp cấp bách được thuận lợi, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nghị quyết cũng tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.
Nghị quyết này cũng đã thể hiện rõ hình ảnh một Quốc hội thật sự năng động, đổi mới, quyết liệt ngay từ Kỳ họp đầu tiên, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng hành gắn bó giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.
Hiệu quả của Nghị quyết 30
Hiệu quả của Nghị quyết 30 đã ngay lập tức thể hiện và nhìn rõ trong thực tế. Cụ thể là trong đợt dịch thứ 4, khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh phía nam, trong thời gian ngắn chúng ta đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch.
Bà Leo Thị Lịch cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết này, Bắc Giang, địa phương nơi bà ứng cử đã kịp thời thu xếp nhân lực, vật lực chi viện cho các tỉnh phía nam chống dịch. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng cử một trong những đoàn cán bộ y tế đầu tiên của 11 tỉnh, thành phố theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đến tham gia hỗ trợ TP Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng.
Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở các nơi tâm dịch, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc, qua đó tạo ra bước ngoặt trong công cuộc chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay. Nghị quyết 30 của Quốc hội đã trao cho Chính phủ quyền lực lớn hơn trong việc điều phối, sử dụng, tận dụng nguồn lực về con người, của cải cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trao quyền bao giờ cũng phải đi kèm với giám sát, và đặc biệt là tổng kết, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
Không thể phủ nhận những kết quả rất đáng tự hào chúng ta đã đạt được, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Chính phủ đã thận trọng chủ động ban hành và áp dụng một số biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa nghiêm, chưa thống nhất.
Về huy động nguồn lực và thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ được ban hành kịp thời để hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp và được dư luận đánh giá cao. Nhưng trong điều kiện khó khăn, không tránh khỏi trường hợp việc thực hiện triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chậm; tiếp cận các gói an sinh xã hội còn hạn chế; vẫn có tình trạng tồn đọng, chưa chi trả cho đối tượng được hỗ trợ; công tác dự báo, dự kiến quy mô chính sách còn chưa sát thực tế.
Nhân viên Trạm kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên theo sõi người dân ra vào địa bàn thời gian giãn cách. (Ảnh chụp tháng 11 năm 2021).
Bà Hoàng Thì Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chính sách của Nghị quyết 30, trong khi, đây lại là lực lượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh về tất cả mọi mặt như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm. Trong đại dịch vừa qua, lao động là người DTTS tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, lao động di cư lao động tự do qua biên giới phải quy trở về không tìm được việc làm tại địa phương. Việc tiếp cận với các gói an sinh xã hội chậm hoặc không thể tiếp cận được trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây nghèo đói tạm thời, gây khó khăn, thậm chí là bức xúc đối với một số lao động dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, vấn đề an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế cần được quan tâm hàng đầu.
Bà Leo Thị Lịch cho rằng, đối với an sinh xã hội, cần quan tâm phối hợp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, công tác phòng dịch cũng không được buông lỏng, mà ngược lại, cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ứng phó linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt, với lượng người khá lớn đã nhiễm COVID-19 trong thời gian vừa qua, cần giải quyết thấu đáo các vấn đề hậu COVID-19, việc tác động của tiêm vaccine kéo dài.
Tiếp tục công tác giám sát, đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong công tác phòng chống dịch vừa qua, tăng cường công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực y tế nhất là việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thuốc.
Nghị quyết 30 của Quốc hội chỉ kéo dài đến 31/12/2023 với một số chính sách cần thiết nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đây là những chính sách rất đặc thù phục vụ cao điểm khi xảy ra dịch bệnh căng thẳng.
Khoản 3 của Nghị quyết 30/2021/QH15 nêu rõ: Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong thời gian tới.
Theo Báo Tin Tức