Trong năm 2023, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngành Nông nghiệp thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên, toàn ngành vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đã đặt ra.
Tại buổi họp báo về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 tổ chức hôm nay 29/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã điểm lại 6 điểm sáng, thành tích nổi bật của toàn ngành trong năm 2023.
Điểm sáng đầu tiên là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Thành tích nổi bật thứ hai là nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.
Điểm sáng thứ 3 là kỷ lục về xuất siêu. Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 53,01 tỷ USD chưa đạt mục tiêu 54-55 tỷ USD nhưng xuất siêu năm 2023 đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%).
Sáu mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 3 tỷ USD gồm: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; Gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; Càphê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; Tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; Gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.
Thành tích nổi bật thứ 4 là tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Thành tích nổi bật thứ 5 là số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); trong đó có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2023 cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.
Điểm sáng cuối cùng trong năm 2023 là Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.
Theo Vietnamplus