Nhớ mùa lúa Tết

01/02/2022 - 06:56

 - “Ngày quết bánh phồng, đêm thức canh nồi bánh tét...” là hình ảnh quen thuộc của Tết xưa - cái Tết gắn với một thời ký ức lúa mùa nổi. Từ cây lúa phổ biến ở vùng sông nước Cửu Long, ngày nay cây lúa mùa nổi trở nên hiếm hoi. Nhưng nhờ vậy, giá trị của lúa mùa nổi càng được trân quý.

Mùa gió chướng…

Khi mà ngày nay, những giống lúa cao sản ngắn ngày trở nên phổ biến thì với những ai còn nhớ đến lúa mùa nổi, chắc phải thuộc về thế hệ “7X” trở về trước hoặc họa chăng là “8X đời đầu”. Với những thế hệ U.60, U.70, U.80 ngày nay, lúa mùa nổi trở thành ký ức đẹp khó phai, dù đó là thời kỳ khó khăn, thiếu thốn, dễ rơi vào cảnh thiếu gạo ăn “mùa giáp hạt”. Cây lúa mùa nổi gắn liền với Tết xưa - những cái Tết đầm ấm, gắn kết gia đình, đầy ắp tiếng nói cười, tràn ngập không khí vui tươi, sự san sẻ của tình làng nghĩa xóm…

Trong khi hầu hết nông dân đã chuyển sang canh tác lúa ngắn ngày thì gia đình ông Nguyễn Văn Trống (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn) vẫn giữ 5ha ruộng gắn bó với lúa mùa nổi. Đối với nông dân này, cây lúa mùa nổi là một trời kỷ niệm.

“Hơn 20 năm trước, lúa mùa nổi rất phổ biến. Cứ đến tháng 5 (âm lịch), khi mưa bắt đầu rớt hạt, nông dân cứ gieo giống trên mặt ruộng, hạt lúa tự nẩy mầm rồi lớn dần. Khi lũ về, nước dâng đến đâu, cây lúa vươn lóng theo đến đó, thân dài 3-4m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng. Quá trình canh tác gần như thả nổi, không cần sạ phân, xịt thuốc. Khi nước lũ rút xuống, thân lúa nằm rạp trên mặt ruộng rồi “quỳ gối” để trổ bông. Khi cắt lúa, chỉ cắt phần bông, để nguyên lớp gốc rạ dày cả gang tay. Gốc rạ này mần rẫy thì hết ý” - ông Trống chia sẻ.

Từ khi xuống giống, phải mất 6 tháng lúa mới chín. Thời điểm thu hoạch lúa mùa nổi cũng là cận Tết Nguyên đán. Bán lúa xong, những bà mẹ mua vải may vài bộ quần áo mới cho gia đình, trang trí lại nhà cửa, sắm sửa ít đồ chưng Tết. Sau khi đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), một số hộ nuôi heo tiến hành mần heo chia lúa, những gia đình khác mang lúa đến đổi thịt heo, thế là có món thịt kho tàu ăn Tết. Phần đầu, xương, lòng heo… cứ thế thả vào nồi cháo nấu bằng gạo mùa nổi. Những người tham gia mần heo cùng với gia chủ quây quần bên nồi cháo thơm lừng, nhấp ly rượu đế, trò chuyện đến khuya.

Cận Tết, những nhà ở gần nhau hùn nguyên liệu gói bánh tét, quết bánh phồng rồi chia nhau. Người ta lại cùng nhau tát đìa, bắt cá lóc, cá dầy, rô, trê, sặc bổi… đem rọng trong mùng lưới dưới hầm. Tết quê xưa, nhà nào cũng có nồi thịt kho trứng vịt, vài chục đòn bánh tét dự trữ, đêm giao thừa phải nướng bánh phồng cúng ông bà. Những ngày Tết, chòm xóm ghé thăm nhau, bắt cá lên nướng trên bếp than hồng, uống ly rượu đầu xuân. Rượu được sản xuất bằng gạo lúa mùa, còn lưu dư vị phù sa. Không khí Tết cứ thế mà rôm rả, đầm ấm.

Loài lúa “thuận thiên”

Lúa mùa nổi có tên khoa học là Floating Rice, dịch nôm na là “loài lúa vượt lên mặt nước”. Đây là giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo, giàu dinh dưỡng, sống “thuận thiên”.

TS Nguyễn Văn Kiền (Trường Đại học An Giang) cho biết, đặc điểm của cây lúa mùa nổi là thân dài, thích ứng tốt trong điều kiện ngập sâu. Mặc dù lúa mùa nổi cho năng suất thấp nhưng lợi nhuận cao bởi nông dân hầu như không bỏ chi phí đầu tư. Vào mùa khô, một số cây màu trồng trên nền rạ lúa mùa nổi cho năng suất, chất lượng rất cao. Bên cạnh lợi ích kinh tế, lúa mùa nổi còn giúp tạo không gian để chứa nước lũ, giảm nguy cơ vỡ đê ở vùng lân cận. Do vậy, nếu giữ được diện tích lúa mùa nổi sẽ giúp địa phương ứng phó tốt với lũ lụt, đặc biệt là lũ lớn.

 “Đất trồng lúa mùa nổi có nguồn dinh dưỡng dồi dào, nông dân không cần bón phân cho ruộng lúa mùa nổi, mà còn thu hoạch được các loại cá đồng vào trú ngụ tự nhiên. Cây lúa mùa nổi tỏ ra thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và giúp bảo tồn nguồn gen quý, góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học của vùng ĐBSCL” - TS Kiền phân tích.

Theo TS Lê Công Quyền (Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang), trên ruộng lúa mùa nổi có đến 49 loài thực vật và khoảng 35 loài cá khác nhau đã ghi nhận được, như: Cá linh ống, cá chốt sọc, cá rô đồng, cá lóc đồng, sặc bướm, mè vinh… Đặc biệt, có một số loài ít gặp, có giá trị cao, như: Cá ét mọi, cá cóc, thác lác, rô biển, cá leo, trê vàng… cũng xuất hiện ở ruộng lúa mùa nổi.

Nghiên cứu thực tế ở xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn) cho thấy, khi kết hợp sản xuất lúa mùa nổi và màu (trồng khoai mì, kiệu, bí…), thì lợi nhuận mang lại cho nông dân cao hơn hẳn so với canh tác đơn thuần 2-3 vụ lúa cao sản/năm. Đó là chưa kể, nguồn lợi thủy sản tự nhiên khá lớn mà người dân có thể thu được trong ruộng lúa mùa nổi.

Theo các nhà nghiên cứu, việc sản xuất lúa mùa nổi được xem là bước đệm không thể thiếu nhằm tạo nguồn rơm rạ phục vụ hoạt động sản xuất cây màu. Đặc điểm rơm rạ lúa mùa nổi rất bền, có thể đậy cho đất trồng màu được 6-7 tháng, trong khi các giống lúa cao sản khác duy trì được khoảng 2-3 tháng là mục.

Nhờ đặc điểm lúa sinh trưởng và phát triển ngay trong mùa nước lũ tràn đồng, có nhiều loài cá và đa dạng các loại thực vật khác nên ruộng lúa mùa nổi còn là địa chỉ du lịch (DL) nông nghiệp trải nghiệm rất thú vị. PGS.TS Dương Văn Chín (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành) cho rằng, có thể tổ chức các tour DL vào mùa nước nổi, cho du khách bơi xuồng trên ruộng lúa, tham gia giăng lưới, đổ lọp, câu cá… “Nên mở thêm các tour vào mùa thu hoạch lúa để du khách, nhất là khách nước ngoài có thể tự tay gặt lúa, xay lúa và nấu thành cơm, kết hợp phục vụ cá nướng, cá kho, canh chua, chuột chiên xoài bằm… sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều” - ông Chín gợi ý.

Nghiên cứu phục hồi

Xét về lợi ích “thuận thiên”, giá trị kinh tế, tiềm năng DL, việc phục hồi và phát triển lúa mùa nổi là định hướng đúng đắn. “Giống lúa mùa nổi có sức sống rất mạnh. Trong 6 tháng sinh trưởng, mình cứ để cây lúa tự phát triển, có thời gian làm việc khác. Khi nước lên, có thêm thu nhập từ nghề giăng lưới, giăng câu, đặt lọp trong ruộng lúa. Dứt điểm vụ lúa mùa nổi cũng vừa đến Tết Nguyên đán nên bà con ăn Tết vui vẻ, phấn khởi lắm. Qua Tết, mọi người lại bắt tay trồng mì kè, cà tím, kiệu, ớt, bắp… trên chân rạ lúa mùa nổi, mần trúng dữ lắm. Vừa thu hoạch vụ màu xong thì xuống giống lúa mùa nổi là vừa” - nông dân Nguyễn Thanh Lạc (canh tác 1ha lúa mùa nổi ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước), bộc bạch.

Còn với lão nông Trần Văn Man (canh tác 4ha lúa mùa nổi ở ấp Cây Gòn, xã Lương An Trà), sẽ tiếp tục gắn bó cả đời với cây lúa này, vì đã nuôi sống từ ông bà, tổ tiên cho đến đời mình.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, năm nay, huyện duy trì sản xuất được 72ha lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Do lũ nhỏ, lúa bị chuột cắn phá nên năng suất không cao. Tuy nhiên, với giá được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu 16.000 đồng/kg, dự kiến nông dân sẽ có thu nhập 3 triệu đồng/công từ bán lúa.

“Nguồn thu này gần như trọn vẹn bởi bà con không phải bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Gốc rạ phục vụ cho vụ màu, giảm chi phí, năng suất lại cao. Trong khi đó, với giá phân, thuốc tăng cao như hiện nay, nông dân canh tác lúa cao sản ngắn ngày đang gặp nhiều khó khăn. Đặc điểm của lúa mùa nổi là canh tác tự nhiên, sạch hoàn toàn. So với gạo trắng thông thường, gạo mùa nổi có hàm lượng vitamine E cao hơn gấp 5 lần, hàm lượng protein cũng cao hơn, các độc tố hầu như không có. Do vậy, gạo mùa nổi rất được ưa chuộng, nguồn cung hiện không đủ cầu” - ông Văn đánh giá.

Để phục hồi và phát triển cây lúa đặc hữu này ổn định, lâu dài, huyện Tri Tôn đã quy hoạch 500ha lúa mùa nổi đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, gắn mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc, hướng đến thương mại hóa nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, cũng là tăng thu nhập cho nông dân gắn bó với cây lúa truyền thống này.

Từ nguồn hỗ trợ của dự án WB11, sắp tới, tỉnh sẽ hỗ trợ huyện Tri Tôn xây dựng hồ chứa lũ đồng bằng ở 2 xã Vĩnh Phước và Lương An Trà với diện tích 1.000ha. Hồ có tác dụng chứa nước mùa lũ, điều tiết nước mùa khô, phát triển nguồn cá tự nhiên. Diện tích sản xuất lúa mùa nổi nằm trong hồ chứa lũ, tạo thuận lợi cho phát triển lâu dài.

NGÔ CHUẨN