Nhớ “mùa” tát đìa

24/12/2024 - 07:56

 - Tháng cuối năm, gió bấc thổi liu riu qua những cánh đồng vừa xong mùa gieo hạt, mang theo cái lạnh đánh thức ký ức về “mùa” tát đìa. Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, gió bấc về cũng là lúc tôi hí hửng theo chân người lớn đi bắt “lộc trời” đang ẩn mình dưới đìa nước mênh mông, sau những tháng chúng thong dong cùng mùa nước nổi.

“Mùa” ký ức

Như bao nhiêu đứa con nít lớn lên ở chốn quê nghèo, tuổi thơ của tôi trải dài từ hạ sang thu, từ thu đến… Tết! Con nít hồi đó mùa nào thức ấy, muốn khác cũng không khác được. Trong các mùa ấy, “mùa” tát đìa là thời điểm chúng tôi chộn rộn nhất trong năm. Với những người ở hàng “thất thập cổ lai hy”, “mùa” tát đìa của họ phải đợi tận những ngày cuối Chạp, khi nhà nhà đốt chân nhang đưa ông Táo về trời. Bởi lẽ, họ tát đìa để ăn Tết, vì thực phẩm ngày trước khan hiếm, chỉ có cá dưới đìa là nguồn dự trữ tự nhiên để có bữa cơm ấm cúng bày lên bàn thờ gia tiên ngày giáp Tết.

Nói về “mùa” tát đìa của thế hệ cha anh, họ phải tát bằng gàu, bằng thau. Có khi phải từ sáng tới chiều mới cạn đìa nước. Đến thời của tôi, đã có máy Kohle, máy dầu chạy lạch tạch đầu trên, xóm dưới. Tầm nửa ngày, đìa đã trơ đáy. Lúc đó, chủ đìa với người thân của họ bắt đầu mò cá. Cá “đen”, cá “trắng” chạy vùn vụt dưới lớp sình, khiến cho người trên bờ cũng nhốn nháo. Gặp đìa trúng, người ta phải lấy cần xé ra đựng, nhìn mê cả mắt. Đìa nào thất, cũng được vài chục ký cá ăn để trữ ăn trong nhiều ngày.

Tát đìa bắt cá

Chủ đìa bắt tới, bắt lui mấy đợt thì nhường lại cho dân “bắt hôi”. Có lẽ, tát đìa vui nhất là đoạn này bởi sự chọc phá, giành giật nhau của đám con nít. Hồi ấy, tôi cũng lao xuống đìa mò cá như đám bạn. Ngặt cái, mình không giỏi bằng mấy đứa kia, nên bì bõm cả buổi cũng chỉ được vài con cá trong thau. Lớp sình dưới đáy đìa cứ nhão nhoẹt, kéo những bước chân nặng trịch. Mặt mũi, đầu cổ chúng tôi lắm lem, hăng hăng cái mùi sình đúng nghĩa bắt hôi. Có khi, 1 đứa bắt được con cá to là cả nhóm nhao nhao như bắt được vàng! Cái thời đầu trần chân đất ấy, niềm vui đôi khi chỉ đơn giản có thế. Có khi, phải bắt tới bắt lui đến chiều thì cả đám mới rủ nhau về. Lúc đó, đứa nào cũng có được mớ cá đủ loại, đủ cỡ đem về cho mẹ nấu cơm. Chỉ có bao nhiêu niềm vui ấy, mà thế hệ chúng tôi khi lớn lên vẫn còn nhắc nhở nhau về “mùa” tát đìa.

“Mùa” hiện tại

Bây giờ, tát đìa không còn là “mùa” như ngày trước. Bởi lẽ, xã hội phát triển kéo theo sự thay đổi về thói quen của người dân quê. Chẳng mấy khi họ phải tát đìa, vì thịt cá cứ ê hề ngoài chợ. Cần thiết lắm, họ mới tát đìa để vệ sinh đáy cho sạch, mà cũng vài năm mới phải làm một bận. Hơn nữa, cách tát đìa thời nay cũng khác, không được nhiều người quan tâm tới, chủ yếu chỉ là nhóm dăm bảy thành viên cùng đi kiếm cá đồng thưởng thức lúc nông nhàn.

Có lần, tôi cùng nhóm bạn rủ nhau đi tát đìa. Công đoạn chuẩn bị mất mấy ngày, vì phải khiêng máy dầu ra đặt ở đìa nước, rồi lôi kéo năm bảy anh em cho xôm tụ. Sáng sớm, sương còn đọng trên mấy nhánh lúa ven bờ ruộng, làm ướt sủng chân người bước qua. Nắng mùa đông cũng chênh chếch ngã trên từng cánh lúa, chỉ ấm chứ không gay gắt. Tầm 8 giờ sáng, anh bạn giật máy chạy lạch tạch rồi bỏ đó, đi thăm ruộng. Chúng tôi người thì đi kiếm rơm, người chạy ra chợ mua thêm nước uống, vài loại rau ghém ăn cùng cá nướng.

Cá nướng rơm, món ngon chủ đìa đãi khách phương xa

Tầm 2 giờ chạy máy, nước dưới đìa đã xăm xắp mặt sình. Những con cá rô phi vụt toán loạn, khiến tôi phấn khích. Tuy nhiên, chủ đìa lại khá bình tĩnh, bởi thứ anh cần tìm là mấy con lóc, con trê ẩn mình dưới lớp sình kia. Đó mới là món ngon dân dã để người quê đãi bạn phương xa. Mấy con rô phi vẫn ăn được, nhưng phẩm chất không bằng và cũng không thỏa cái thú tiêu dao.

Đợi đìa cạn hẳn, chủ đìa với mấy anh bạn ở xóm mới xuống mò cá. Vốn là dân quê, nên họ thoăn thoắt đôi tay tìm mấy con cá lủi sâu dưới lớp sình. Chốc chốc, 1 người lại cười lớn khoe “chiến lợi phẩm” của mình. Vốn quen tay, anh bạn vặn mình con cá cho vào thùng. Anh cho hay, làm như vậy cho nó nằm im, lát nướng ăn luôn. Nhìn thấy mấy người bạn bắt cá, tôi cũng nhốn nháo hệt như thời con nít. Nhưng mấy anh bạn nhìn “bộ vó”, kêu tôi ở trên bờ cho tiện.

Hì hục một buổi, cả nhóm cũng kiếm được kha khá. Chủ đìa chọn mấy con cá lóc to, xỏ cây nướng rơm. Mà dân quê hay thật! Họ canh lượng rơm vừa đủ con cá chín nhưng lại không khét. Nếu là tôi, con cá sẽ thành than cũng không chừng. Mùi cá chín thơm lừng xuyên qua mũi, đánh thức ký ức về những ngày xưa. Chúng tôi cắt mấy tấm lá chuối to bản để trải ngồi bên bờ đìa, tiếng cười nói râm ran một khoảng đồng xa. Người quê bật mí, ra đồng ăn đơn giản mà lại rất ngon quả không sai. Chỉ có mấy con cá nướng chấm nước mắm trong, nhưng hương vị thì không sao sánh được. 

Theo thời gian, “mùa” tát đìa sẽ lui vào quá vãng bởi sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận người quê vẫn lưu giữ nó như một thói quen trong tiềm thức, để những người như tôi lại có dịp trở về với “mùa” tát đìa cuối năm, khi mấy cơn gió bấc vi vu qua miền châu thổ.

THANH TIẾN