Những cảnh đời khó khăn cần giúp đỡ

17/03/2022 - 06:14

 - Họ là những người nghèo khó mặc dù cả đời cật lực mưu sinh nhưng đến những năm tháng cuối đời vẫn sống trong cảnh khó khăn, mang nhiều chứng bệnh trong người. Tuổi cao sức yếu, không thể đi làm thuê, mướn nên đời sống các gia đình dần rơi vào khó khăn, cần lắm sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng.

Đến thăm gia đình ông Trần Văn Cọp (tại ấp Hòa Long, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cũng chính là lúc ông đang loay hoay chăm sóc cho vợ (bà Trần Thị Xây) đang đau bệnh. Ở cái tuổi 87 và 85, cả 2 ông bà đều đã mắt mờ, tay yếu, chân run nên việc đi lại, chăm sóc cho nhau rất khó khăn.

Ngơi tay chút ít, ông Cọp chia sẻ về gia cảnh: “Vợ chồng tôi có với nhau người con trai nhưng con tôi ngắn số, không may đau bệnh qua đời để lại người vợ và 2 đứa con. Bao năm nay, vợ chồng tôi làm thuê để lo cái ăn và đỡ đần con dâu nuôi dưỡng 2 đứa cháu nội. Đến nay, các cháu đã khôn lớn nhưng cuộc sống cũng không được cải thiện. Cảnh nhà vẫn còn nhiều cái khó chưa thể vượt qua”.

Ông Cọp chia sẻ thêm, khi đứa cháu gái đi lấy chồng, có được 3 đứa con thì hôn nhân không hạnh phúc, phải nhờ mẹ giữ hộ 3 đứa con để đi làm công nhân. Còn đứa cháu trai không chỉ đi làm mướn nay đây mai đó, thu nhập bấp bênh nên cũng không gửi về cho gia đình được mấy đồng.

Ông Trần Văn Cọp và vợ

Trước tình cảnh vợ đau bệnh triền miên, mỗi lần nhập viện vô cùng tốn kém, ông Cọp dù già yếu nhưng cũng không ngưng công việc bán vé số hàng ngày. “Mỗi ngày tôi bán 50-100 tờ vé số, đi bộ quanh xóm chỉ mong kiếm được ít chục ngàn đồng để xoay xở bữa ăn, dành dụm tiền đưa vợ đi bệnh viện, với nhiều căn bệnh tuổi già lần lượt kéo đến, như: Thoái hóa xương khớp, tim mạch, huyết áp... Thế nhưng, kể từ khi có dịch bệnh COVID-19, đời sống ngày càng khó khăn, lượng người mua vé số không còn nhiều như lúc trước nên cuộc sống vợ chồng già vô cùng chật vật” - ông Cọp trần tình.

Là người thường xuyên lui tới giúp đỡ gia đình, ông Lương Văn An (một người làm công tác thiện nguyện tại địa phương) cho biết: “Chúng tôi phối hợp các trưởng, phó ấp đến thăm hỏi, giúp đỡ các nhà khó khăn, mỗi hộ 1 túi gạo 1kg. Qua đó, chúng tôi phát hiện các gia đình vô cùng khó khăn. Thương lắm tình ảnh vợ chồng ông Cọp phải đỡ đần nhau trong lúc tuổi già sức yếu, không đủ tiền thuốc hay đưa vợ đi viện thế này. Rất mong các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ, chia sẻ phần nào khó khăn của gia đình”.

Rời xã Hòa Long, chúng tôi ghé thăm bà Lê Thị Bỏn (65 tuổi, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), một hoàn cảnh cũng rất đáng thương. Bởi hiện tại bà Bỏn đang mang trong mình nhiều chứng bệnh, đến giai đoạn diễn biến nặng nhưng không có tiền cho những đợt đi tái khám thường xuyên và chi trả cho những đơn thuốc. Hai năm trước, một mình bà Bỏn phải vất vả vừa đi làm mướn, làm rẫy vừa phải tranh thủ chăm sóc cho người chồng bị bệnh tai biến nằm một chỗ. Đến khi người chồng qua đời, cũng là lúc bà sống một mình và mang nhiều chứng bệnh, như: Thoái hóa cột sống, viêm khớp, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp vô căn...

Bà Lê Thị Bỏn

“Tôi có 4 người con, tất cả đều lập gia đình và đi làm ăn xa, đời sống rất khó khăn không thể đỡ đần cho mẹ. Tôi chỉ còn trông chờ vào cô con gái đã thôi chồng, vất vả mưu sinh xứ người, một mình nuôi con nhiều năm qua. Nay đứa cháu gái 14 tuổi phải bỏ học giữ chừng vì mẹ khó khăn và giờ trở về quê chăm sóc tôi. Lúc nửa đêm đau bệnh thì có cháu chăm sóc, còn tiền bạc để mua thuốc uống cũng là nỗi lo của 2 bà cháu” - bà Bỏn chia sẻ.

Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Thạnh Lê Hữu Phúc cho biết: “Gia đình bác Bỏn thuộc hộ nghèo tại địa phương, nhà ở nhiều năm qua cất tạm trên đất người khác. Trước đây, vợ chồng bác rất chí thú lao động nhưng vẫn không thể vượt qua tình cảnh khó khăn. Từ ngày bác trai đau bệnh, người dân ở xóm thương tình có người cho mượn đất ven bờ đê tầm 1 công để bà trồng rau, thu hoạch bán có thêm thu nhập. Về phía địa phương, Ban Nhân dân ấp rất quan tâm, luôn dành những suất gạo, nhu yếu phẩm mỗi tháng từ nhà hảo tâm cho gia đình. Tuy nhiên, cần lắm những tấm lòng nhân ái, để bác Bỏn có điều kiện đến bệnh viện tái khám và mua thêm chút thuốc uống cải thiện sức khỏe”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.


NGỌC GIANG