Lãnh đạo Trung ương, tỉnh An Giang và TP. Châu Đốc thực hiện nghi thức đặt tên đường Phạm Văn Bạch
TP. Châu Đốc là trung tâm đô thị thứ 2 của tỉnh An Giang, có vị trí quan trọng về thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biên giới. Ngày 19/7/2013, TX. Châu Đốc trở thành TP. Châu Đốc, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mười năm qua, diện mạo của địa phương không ngừng thay đổi, phát triển; hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng. Nhiều khu dân cư và tuyến đường mới được hình thành, đáp ứng nhu cầu giao thương của Nhân dân, tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Những năm qua, địa phương mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường, đặt theo tên các danh nhân, anh hùng dân tộc, bậc tiền nhân, nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước… đóng góp cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam ở các phương diện khác nhau.
Theo Ngân hàng dữ liệu tên đường tỉnh An Giang, hiện nay, tỉnh có 717 tuyến đường được đặt tên danh nhân, người có đóng góp lớn, tiêu biểu trong lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam. Trong đó, trên địa bàn TP. Châu Đốc, 65 tuyến đường đã đặt tên, số còn lại vẫn đang chờ.
Để tưởng nhớ công lao, ghi nhận, tôn vinh đóng góp của các bậc tiền nhân có công với đất nước, đồng thời tạo thuận lợi trong quản lý hành chính, quản lý đô thị, ngày 13/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 19/NQ-HĐND về việc đặt tên đường trên địa bàn TP. Châu Đốc. Cụ thể, đổi tên đường Vòng Núi Sam (phường Núi Sam) thành đường Phạm Văn Bạch; đổi tên đường số 1 và 7 khu dân cư hành chính phường Vĩnh Mỹ thành đường Phùng Văn Cung.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi cho biết: “TS Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910, tại ấp Long Đức, xã Trà Nhiêu Thượng, tỉnh Trà Vinh. Cha của ông là ông Phạm Văn Hãnh, người làng Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ kết nạp đồng chí Phạm Văn Bạch vào Đảng Lao động Việt Nam. TS Phạm Văn Bạch được cử giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ khi thành lập đến khi ông nghỉ hưu.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu Kháng chiến Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”; Bằng khen hạng Nhất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Ba; Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…".
BS Phùng Văn Cung sinh ngày 15/5/1909, tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, quận Long Châu (huyện Châu Thành), tỉnh Vĩnh Long (nay là khóm 1, phường 9, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1957, chính quyền Sài Gòn mời ông làm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Châu Đốc. Cuối năm 1958, ông lên Sài Gòn làm Giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi).
Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng, BS Phùng Văn Cung được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Ông Phạm Minh Tiến (đại diện thân nhân TS Phạm Văn Bạch) bày tỏ: “Việc đặt tên đường mang tên cha, ông chúng tôi trên địa bàn TP. Châu Đốc là sự ghi nhận công lao, đóng góp của ông trong lịch sử cách mạng của dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.
Gia đình tôi thật sự xúc động, vô cùng tự hào vì sự quan tâm của Đảng bộ, HĐND, chính quyền tỉnh An Giang và TP. Châu Đốc. Con đường mang tên Phạm Văn Bạch rất đẹp, gắn bó với gia đình, tuổi thơ của cha, ông chúng tôi, gắn bó với sự phát triển của vùng đất Châu Đốc từ khi khai mở vùng đất phương Nam”.
Lê Phương Tùng chia sẻ: “Tôi rất vui và vinh dự khi được tham gia sự kiện lễ đặt tên đường. Tôi và các bạn trẻ TP. Châu Đốc sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của cha, ông, các anh hùng… tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc đặt tên đường nhằm ghi nhận công lao của TS Phạm Văn Bạch, BS Phùng Văn Cung, thể hiện sự tôn vinh, tri ân với các bậc tiền nhân; sự trân trọng giá trị lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang nói chung, TP. Châu Đốc nói riêng, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Từ đó, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước để thế hệ trẻ học tập, noi theo. Đồng thời mong muốn, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Châu Đốc tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với công lao của tiền nhân.
THU THẢO