Khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh An Giang trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc
Thỏa niềm mong ước
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đường phố TP. Long Xuyên được trang hoàng đẹp mắt để chia tay năm cũ nhiều biến động khó lường. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng), một trong 2 Di tích cấp quốc gia đặc biệt tại An Giang (cùng với di tích Óc Eo - Ba Thê), cũng rực rỡ sắc xuân đón chào du khách.
Sáng 18-1, những chuyến phà đặc biệt xuất phát từ TP. Long Xuyên, băng ngang dòng sông Hậu, đưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh sang cù lao ông Hổ (tên gọi khác của xã Mỹ Hòa Hưng) để dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong không khí trang nghiêm, trước chân dung “anh Hai Thắng” đáng kính, mọi người đều đặt niềm tin vào năm mới nhiều khởi sắc trên quê hương Bác Tôn, cũng như cả nước.
Sáng cùng ngày, một sự kiện quan trọng được tổ chức: Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Đây là công trình hạ tầng giao thông đầu tiên của Bộ Giao thông - Vận tải được khởi công trong năm 2022, là công trình được người dân An Giang mong đợi hàng chục năm qua. Dự án nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án kết nối đồng bằng Mekong, trong đó, các dự án thành phần 1 (cầu Cao Lãnh), thành phần 2 (tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống) và thành phần 3 (cầu Vàm Cống) hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2018. Chỉ còn mảnh ghép cuối là tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.
Tuyến đường đi qua địa phận huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), bao gồm xây dựng mới 15,3km và nâng cấp, cải tạo khoảng 2km Quốc lộ 80. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng (tương đương 90,11 triệu USD), từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ, gồm 2 làn xe cơ giới, dự kiến hoàn thành trước ngày 31-12-2023.
Đến dự lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc xây dựng tuyến đường là lời hứa lâu nay của Trung ương đối với An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đến bây giờ mới có điều kiện thực hiện. Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ An Giang nâng cấp hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong đó, nghiên cứu xây dựng cầu thay thế cho phà An Hòa, nối bờ Long Xuyên - Chợ Mới.
Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn TP. Long Xuyên
Mùa xuân ấm áp
Nói Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên là công trình mong mỏi của người dân An Giang, bởi đoạn Quốc lộ 91 đi qua trung tâm TP. Long Xuyên nhiều năm nay đã quá tải, khi lưu lượng xe tải trọng lớn lưu thông liên tục, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Do đó, việc xây dựng tuyến tránh là cấp bách, cần thiết, đảm bảo tính liên tục của Quốc lộ 91, phù hợp với định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg, ngày 1-9-2021 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng trong sáng 18-1, nhân chuyến thăm, làm việc tại An Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Trung ương đến thăm, tặng quà cho 20 hộ nghèo, 10 gia đình chính sách, 20 người lao động, 10 gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn TP. Long Xuyên.
Phát biểu tại lễ trao tặng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chăm lo an sinh xã hội của tỉnh An Giang, đặc biệt là hỗ trợ hàng chục ngàn người lao động ngoài tỉnh về quê trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để mọi người, mọi nhà đều có Tết. Trong đó, quan tâm thăm hỏi, chăm lo gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, động viên người yếu thế, người nghèo, người lao động khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch nước động viên bà con đón Tết an toàn, tiết kiệm, đầm ấm. Đoàn công tác Trung ương dành thời gian đến thăm gia đình Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại phường Mỹ Xuyên.
Chiều 18-1, một sự kiện quan trọng khác được tổ chức, có sự tham dự của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đoàn công tác Trung ương và tỉnh. Tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), Tập đoàn Tân Long khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc. Đây là một trong những dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018.
Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất Châu Á, diện tích 161.000m2. Công suất sấy của nhà máy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ Châu Âu, như: Hệ thống tiếp nhận, làm sạch và sấy của SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ BUHLER (Thụy Sĩ); toàn bộ hệ thống silo chứa lúa và trang thiết bị đi kèm, lò hơi, robot hút lúa đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn Liên minh Châu Âu (EU) từ Italia, Đức, Ba Lan…
Đây đều là những đối tác công nghệ hàng đầu Châu Âu, với kinh nghiệm hoạt động từ hàng chục đến hàng trăm năm; đáp ứng chuẩn mực, yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Kỳ vọng tương lai
“Lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc là khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch đầu tư và phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo dài hạn của Tập đoàn Tân Long. Nhà máy được đặt tại vị trí trung tâm của các vùng trồng lúa lớn, bao gồm 5 huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn (tỉnh An Giang), Giang Thành, Hòn Đất và Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang). Với lợi thế tối ưu về công nghệ, Nhà máy gạo Hạnh Phúc giải quyết hiệu quả khâu quan trọng nhất sau thu hoạch là vận chuyển kịp thời lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy, sấy trữ trong “thời gian vàng”, giúp đảm bảo hương vị và chất lượng lúa gạo. Từ đó, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá nhấn mạnh.
Nhân dịp lễ khánh thành, Tập đoàn Tân Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký thỏa thuận bao tiêu lúa gạo. Theo đó, Tập đoàn Tân Long liên kết tổ chức bao tiêu với các hợp tác xã tại An Giang, diện tích 30.000ha và mở rộng quy mô sang địa phương lân cận trong những năm tiếp theo. Tập đoàn Tân Long sẽ chú trọng phát triển các dòng lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu và trong nước, như: Japonica, Jasmine, Đài Thơm…
Trước đó, thương hiệu gạo A An của Tập đoàn Tân Long đạt thỏa thuận hợp tác với kỹ sư Hồ Quang Cua (tác giả giống gạo ngon nhất thế giới ST25) về việc phát triển canh tác giống lúa ST25 tại An Giang cũng như một số giống lúa khác của ông (ST21, ST24 - “Top 3” gạo ngon nhất thế giới). Xuyên suốt quá trình hợp tác, Tập đoàn Tân Long sẽ có cơ chế bao tiêu linh hoạt, chia sẻ lợi nhuận trong toàn chuỗi với các hợp tác xã, hộ nông dân.
Tìm hiểu sản phẩm gạo A An của Tập đoàn Tân Long
Việc khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc đánh dấu hiệu quả thu hút đầu tư của An Giang, mở ra thêm mô hình liên kết bền vững, hoàn thiện chuỗi lúa gạo khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn, góp phần xây dựng và nâng cao thương hiệu lúa gạo An Giang…
Thông qua chuyến thăm, làm việc và tham dự sự kiện khởi công, khánh thành các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương, An Giang gửi thông điệp đến các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh. Từ đó, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư vào An Giang trong thời gian tới. |
NGÔ CHUẨN