Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy, ngày 30-10-2021. Ảnh: AFP-TTXVN
Trên lĩnh vực y tế, Tuyên bố khẳng định tiêm chủng vaccine là một trong những biện pháp quan trọng nhất chống lại đại dịch COVID-19, tái khẳng định quyết tâm mở rộng quy mô miễn dịch để mang lại lợi ích chung trên toàn cầu. Các nước G20 nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận kịp thời, bình đẳng và bao trùm đối với các loại vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Đặc biệt, mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022 được các nhà lãnh đạo G20 cam kết phấn đấu đạt được với sự giám sát của bộ trưởng y tế các nước thành viên.
Liên quan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Hội nghị tái khẳng định cam kết duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn trên 1,5 độ C vào giữa thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước G20 khẳng định nỗ lực huy động 100 tỷ USD-năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển; tích cực huy động các nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ phát triển năng lượng xanh, bền vững và bao trùm, sớm chấm dứt việc tài trợ cho việc sản xuất điện từ than.
Trên lĩnh vực kinh tế, Tuyên bố nhận định kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi nhưng còn khá chênh lệch giữa các nước và tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Hội nghị ghi nhận bước tiến “lịch sử” khi các nước G20 đều thể hiện sự ủng hộ “rộng rãi và xuyên suốt” về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Được thông qua sau nhiều năm đàm phán, chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến những gã khổng lồ về công nghệ trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc thống nhất mức thuế tối thiểu sẽ giúp bổ sung khoảng 125 tỷ USD vào ngân sách các nước.
Bên cạnh những chủ đề đa phương, một số thỏa thuận song phương cũng đã đạt được giữa các bên tham dự Hội nghị. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về dỡ bỏ việc áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của nhau. Ngoài ra, Hội nghị còn là nơi góp phần giải tỏa tình trạng căng thẳng nổi lên trong một số cặp quan hệ như giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU hay giữa Pháp với Mỹ và Anh.
Với những kết quả đạt được như trên, Hội nghị được đánh giá thành công trong việc củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với những vấn đề đã và đang đặt ra những thách thực sự đối với tương lai nhân loại.
Phản ứng về kết quả Hội nghị G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 31-10 cho rằng thỏa thuận đạt được về hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên là “tín hiệu tốt” cho Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí (COP26) tổ chức tại Glasgow, Scotland.
Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị G20, bà Merkel hoan nghênh cam kết dừng cung cấp tài chính cho các dự án hoạt động bằng than và cho rằng lãnh đạo các nước phải giải quyết tác động của việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác đối với châu Phi.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày đã bày tỏ thất vọng vì các nhà lãnh đạo G20 đã không đưa ra được những cam kết hoặc chi tiết cụ thể về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Báo Tin Tức