Những lợi thế 'khủng' giúp ông Trump vững chân trong bầu cử giữa kỳ

04/11/2018 - 15:35

Nền kinh tế Mỹ vững mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán tăng trưởng chắc chắn cùng tình hình nhập cư trái phép được triệt tiêu đáng kể là những lợi thế có thể giúp ông Trump đứng vững sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

Hàng triệu cử tri Mỹ sẽ đến các điểm bỏ phiếu khắp đất nước vào ngày 6-11 tới để tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ, vốn được xem là một phép thử lớn cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Trong cuộc bầu cử này, toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện Mỹ sẽ được bầu mới, theo đúng quy định về nhiệm kỳ 2 năm. Ngoài ra, 35 ghế trong Thượng viện 100 thành viên (các thành viên sẽ hoạt động trong nhiệm kỳ 6 năm) và thống đốc 36 bang nước Mỹ cũng sẽ được người dân Mỹ lựa chọn trong chỉ vài ngày tới.

"Lừa" Dân chủ và "Voi" Cộng hòa sắp bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ gay cấn.

CNN cho hay, nếu đảng Dân chủ giành ưu thế trong cuộc bầu cử này, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đối mặt với quãng thời gian "ác mộng" trong việc tìm kiếm sự đồng thuận của Quốc hội Mỹ để ban hành các chính sách. Ngược lại, ông Trump sẽ thực sự "lên hương" trong trường hợp đảng Cộng hòa thắng thế.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thử thách rất lớn đến từ đối thủ Dân chủ, ông Trump cũng đang có nhiều lợi thế lớn trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Trong các cuộc vận động tranh cử nhiều ngày qua, ông đã tận dụng những lợi thế này để tranh thủ số phiếu của cử tri.

Nền kinh tế vững mạnh

Nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều dấu hiệu sa sút, chính quyền của Tổng thống Trump trong gần hai năm qua đã làm được điều mà hầu hết các chuyên gia trước đó đều tin là điều không thể: Đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng hơn 3%, giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng 27% trong bối cảnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng vọt.

Nền kinh tế Mỹ vững mạnh là điểm cộng lớn cho ông Trump. Ảnh: ITN

Một báo cáo vừa công bố cho thấy tốc độ tăng lương trong tháng 10 ở Mỹ đạt mức nhanh nhất trong vòng 10 năm qua. Thêm vào đó, có tới gần 4 triệu người Mỹ tìm được việc làm kể từ khi ông Trump làm Tổng thống. Trong thời kỳ tương ứng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, có 2,6 triệu người Mỹ mất việc.

Tính đến hết quý 2 năm nay, quy mô của nền kinh tế Mỹ tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD trong vòng gần hai năm lãnh đạo của ông Trump. Để so sánh, trong thời kỳ tương ứng của ông Obama, kinh tế Mỹ chỉ tăng tăng thêm 481 tỷ USD.

Trong các chính sách ứng xử với doanh nghiệp trong nước, ông Trump đã nới lỏng các quy chế giám sát, cộng thêm tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35%, vào hàng cao nhất thế giới, về mức 21%, đồng thời giảm thuế cho người tiêu dùng.

Các động thái này ban đầu khiến người ta lo ngại nguồn thu ngân sách của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và theo đó tác động xấu đến phúc lợi xã hội ở Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, chính sách của ông Trump đã nhận được ủng hộ lớn từ người dân Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Mỹ có ưu thế lớn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, trong 2 năm cầm quyền, ông Trump đã "xé bỏ" một loạt thỏa thuận kinh tế của Mỹ với các nước khác cũng như "châm ngòi" cho một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm sở hữu trí tuệ và bảo hộ doanh nghiệp nội. Các kế hoạch khiến nhiều nước phản đối, người dân Mỹ phần nào hoang mang.

Tuy nhiên, sau cùng, các nước này đã đều phải chấp nhận tìm kiếm một thỏa thuận khác với Mỹ và có lợi hơn cho Mỹ. Riêng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng giữa hai bên gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt theo hướng có lợi hơn cho Washington cũng được xem là đã tạo dựng uy tín tốt hơn cho ông Trump và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới này.

Tình hình nhập cư được kiềm chế

Ông Donald Trump có nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ và đến nay, phần lớn những lời hứa đó vẫn đang được ông thực hiện, gồm tuyên bố về việc đảm bảo an ninh ở biên giới và ngăn chặn nạn nhập cư trái phép.

Người di cư Trung Mỹ bơi qua một con sông trên đường tới biên giới Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong hai năm qua, ông Trump đã ban hành nhiều chính sách khắt khe với người nhập cư. Các chính sách này đã gây tranh cãi lớn trong lòng nước Mỹ, song không thể phủ nhận là nó đã khiến những người ủng hộ ông ngày càng trung thành hơn.

Một lần nữa, khi cuộc bầu cử giữa kỳ chuẩn bị diễn ra, vấn đề nhập cư lại nổi lên khi hàng nghìn người dân từ các nước Trung Mỹ tình cờ “đồng loạt” kéo nhau đi qua biên giới Mexico và ngày càng áp sát biên giới Mỹ.

Trong một tuyên bố hôm 31-10, ông Trump thông báo sẽ ký một sắc lệnh cho phép bắt giữ trên diện rộng những người di cư vượt biên giới miền Nam và cấm bất kỳ ai vượt biên trái phép xin tị nạn. Tổng thống Mỹ chỉ trích rằng những người di cư đã lợi dụng hệ thống tị nạn và "phớt lờ" luật nhập cư Mỹ.

Tình hình nhập cư trái phép được kiềm chế đã giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ của một nhóm không nhỏ cử tri. Ảnh: RT

Ðồng thời, ông đã yêu cầu điều động lực lượng quân đội đến biên giới Tây Nam và chỉ thị rằng họ được phép nổ súng nếu bị người di cư tiến công bằng gạch, đá. Tuy nhiên, ông mới đây đã rút lại bình luận này và nói rằng những người quá khích sẽ bị bắt giữ trong thời gian dài.

Trong tuần qua, Lầu Năm Góc xác nhận hơn 5.000 binh sĩ quân đội đã được điều đến khu vực biên giới Tây Nam nhằm kiểm soát dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ đang tràn lên phía Bắc. Con số này có thể tiếp tục được gia tăng nếu tình hình biên giới xấu đi.

Giới quan sát cho rằng, các tuyên bố mạnh mẽ về chính sách nhập cư đã góp phần không nhỏ khiến ông Trump đắc cử Tổng thống thì lần này chúng sẽ một lần nữa giúp ông "vững chân" trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Theo THIỆN MINH (Công An Nhân Dân)