Những mảnh ruộng từ thiện

27/04/2022 - 06:49

 - Việc canh tác lúa làm từ thiện là một trong những cách làm mang lại ý nghĩa thiết thực, nhân văn để giúp đỡ những hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiệu quả từ cách làm đang được tiếp tục nhân rộng để có thêm nhiều hộ khó khăn được giúp đỡ, hỗ trợ.

Mô hình canh tác lúa để làm từ thiện đang được nhân rộng trên địa bàn xã Phú Xuân

Hỗ trợ xe chuyển bệnh miễn phí

Hoạt động từ năm 2010, Đội xe chuyển bệnh miễn phí của Hội Chữ thập đỏ xã Phú Xuân (huyện Phú Tân) đã trở thành điểm tựa của người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhờ những chuyến xe từ thiện, nhiều bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Xuân Hồ An Nhân cho biết, từ năm 2016, đội xe được trang bị thêm 1 xe cứu thương mới, trị giá trên 700 triệu đồng, kinh phí do các nhà hảo tâm đóng góp. Hoạt động chuyển bệnh được thực hiện 24/24 giờ, số điện thoại liên hệ trực tiếp được cung cấp rộng rãi đến người dân. Mỗi khi có nhu cầu, bất kể ngày hay đêm, xe chuyển bệnh sẵn sàng phục vụ.

Hàng tháng, Đội xe chuyển bệnh miễn phí hỗ trợ vận chuyển 20-25 lượt bệnh nhân trong xã và các xã lân cận, như: Hiệp Xương, Phú Hưng, Phú Thành... Ngoài chuyển bệnh miễn phí, những hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ thêm chi phí, giúp bệnh nhân có điều kiện khám, chữa bệnh. Ông Nhân cho biết, hiện nay, đội xe có 9 người, do ông quản lý trực tiếp. Kinh phí duy trì hoạt động từ các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương, một phần từ gia đình của những người được chuyển bệnh đóng góp và cả gia đình ông Nhân. Ngoài ra, đội xe còn nhận được sự đóng góp từ nguồn quỹ mô hình canh tác lúa làm từ thiện của nhiều nông dân trong xã.

Chia sẻ với người nghèo

Mô hình canh tác lúa làm từ thiện được triển khai từ vụ đông xuân 2021, trên diện tích 1,6ha, do 8 nông dân trong xã Phú Xuân tham gia canh tác, quản lý. Người đóng góp phân bón, vật tư nông nghiệp, người đóng góp công sức, như: Gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây trồng... để có được mảnh ruộng xanh tốt, cho năng suất cao.

Phần đất được các thành viên canh tác làm từ thiện là của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hoa (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Xuân). Bà Hoa cũng chính là người đưa ra ý tưởng để các thành viên cùng thực hiện mô hình nhân văn này. Bà Hoa chia sẻ: “Ngày trước, các chú làm từ thiện trong xã chủ yếu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nay chuyển sang chở bệnh nhân miễn phí và giúp đỡ trường hợp khó khăn khi ốm đau. Mỗi hoàn cảnh tùy theo mức độ, ngoài đưa rước đến nơi điều trị, người nghèo còn được hỗ trợ từ 500.000 - 2.000.000 đồng. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nên tôi đã xin phần đất của cha mẹ để đóng góp vào việc làm thiết thực này”.

Ông Nguyễn Văn Lắm (một trong những thành viên của đội, tham gia canh tác được 2 vụ lúa) cho biết, do kinh tế gia đình không khá giả, nên công việc của ông chủ yếu là phun, xịt thuốc bảo vệ thực vật, coi đất, quản lý sâu bệnh... Ông Lắm cho biết, đây là việc làm có ý nghĩa xã hội rất lớn nên bản thân muốn tham gia cùng mọi người. Ông Lắm mong muốn đóng góp một phần sức mình trong công tác xã hội - từ thiện tại địa phương.

Theo bà Hoa, sau mỗi vụ sản xuất, phần lợi nhuận sẽ được sử dụng để chi trả chi phí cho vụ trước và tái sản xuất vụ sau. Một phần sẽ hỗ trợ Đội xe chuyển bệnh miễn phí của Hội Chữ thập đỏ và đóng góp kinh phí cho Quỹ Khuyến học xã. Phần còn lại được Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Xuân quản lý và theo dõi để phục vụ việc hỗ trợ đột xuất đối với những trường hợp đau ốm, bệnh tật cùng nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo khác. Đến nay, nguồn quỹ do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã quản lý đã gần 50 triệu đồng.

Thấy hoạt động hiệu quả, mô hình được nhân rộng đến nhiều nông dân trong xã. Điển hình như, mô hình canh tác lúa làm từ thiện do ông Bùi Hữu Hiền (ngụ xã Phú Hưng) quản lý, diện tích canh tác khoảng 1,5ha. Ông Hiền cho biết, trước đây, phần diện tích này được dùng để trồng rau dừa cạn, cung cấp dược liệu cho các phòng khám đông y trong và ngoài địa phương. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các phòng khám ngừng hoạt động, việc trồng rau dừa cạn tạm ngưng. Sau khi nghe bà Hoa vận động, ông Hiền cùng nhiều nông dân khác quyết định chuyển sang trồng lúa để giúp đỡ người dân.

Nếu ruộng lúa do bà Hoa quản lý sử dụng kinh phí để hỗ trợ chuyển bệnh thì tại ruộng của mình, sau khi thu hoạch, ông Hiền đổi sang gạo để hỗ trợ người dân. “Sau khi thu hoạch, lúa được cân, tính theo giá thị trường, tiếp đến đổi sang lượng gạo tương ứng với đơn vị xay xát. Phần gạo này sẽ được hỗ trợ cho các hộ gặp khó khăn, các tổ chức, cá nhân làm từ thiện trong và ngoài xã. Vụ đông xuân vừa qua, chúng tôi đã quy đổi được khoảng 5 tấn gạo, hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn” - ông Hiền vui mừng thông tin.

Sau một vụ “thử nghiệm” vận động người dân ủng hộ cùng trồng lúa để góp vào quỹ từ thiện, bà Nguyễn Thị Minh Hoa đã đăng ký mô hình “Dân vận khéo” cá nhân thi đua trong năm 2022. Hiện nay, mô hình mảnh ruộng từ thiện đang được phát triển và nhân rộng ở địa phương.

ĐỨC TOÀN