Những ngày dài phòng, chống dịch bệnh, các bếp ăn miễn phí ấm áp tình nghĩa ở đâu cũng có, được duy trì bởi các đoàn thể địa phương và sự ủng hộ của tổ chức thiện nguyện. Ngay cả những nơi ít ảnh hưởng bởi dịch cũng phát động làm bánh, các phần cơm để gửi cho các xã lân cận, “chia lửa” với địa bàn khó khăn hơn. Ở xã vùng sâu Phú Xuân (huyện Phú Tân), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã tổ chức làm từ 700 - 800 cái bánh bao/ngày để gửi tặng người dân các nơi đang cách ly tập trung. Vào dịp ngày rằm, các chị kết hợp cùng nhóm thiện nguyện trong xã làm hơn 1.000 ổ bánh mì kết hợp trao tặng quà, gồm: Gạo, mì, nhu yếu phẩm... cho các hộ khó khăn trong vùng.
Còn tại xã Phú Thọ, phụ nữ gói hàng trăm đòn bánh tét tặng lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh. “Mệt nhưng vui là cảm nghĩ chung của mọi người khi làm đầu bếp đặc biệt, lo số lượng phần ăn rất lớn. Của ít lòng nhiều, mỗi đợt chúng tôi thay đổi món mới. Mong những phần quà xuất phát từ tấm lòng sẽ giúp lực lượng làm nhiệm vụ, người bệnh cảm thấy ngon miệng, lạc quan bởi phía sau luôn có rất nhiều người ủng hộ cho cuộc chiến chống dịch” - thành viên trong tổ hậu cần xã Phú Thọ chia sẻ.
Bánh mì miễn phí cho hộ nghèo ở xã vùng sâu
Xuyên suốt từ lúc dịch bệnh xảy ra trên địa bàn đến nay, chị em phụ nữ không ngơi tay, không có ngày nghỉ cuối tuần. Chị Ái Nhân (Hội LHPN huyện Phú Tân) cho biết, từ huyện đến cơ sở, hội viên phải lo nhiều nhiệm vụ cùng lúc, vừa đến phụ giúp các bếp ăn, vừa lo chuyên môn tại đơn vị. Có khi đang bận tay trên bếp mà yêu cầu phải xử lý gấp nội dung từ cấp trên, giải quyết văn bản, tập hợp số liệu báo cáo… đành phải về làm, hoặc nhắn tin yêu cầu các cơ sở gửi gấp. Dù vậy, mọi người đều rất cố gắng, bởi nhiệm vụ nào cũng quan trọng.
Tại bệnh viện dã chiến của huyện Phú Tân, Hội LHPN huyện đảm nhận chăm lo các phần ăn hàng ngày bằng nguồn xã hội hóa. Rau, củ, quả do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cung cấp. Nhà bếp tại chùa An Hòa lo thêm một phần cơm và món xào. Còn suất ăn chính, chế biến món mặn, món canh được tổ chức nấu tại nhà của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga. Bình quân 1 ngày tổ sẽ nấu từ 65 - 90 suất, bao gồm cả phần ăn của bác sĩ, các tình nguyện viên, bệnh nhân và người nuôi bệnh. Dựa theo nguồn thực phẩm hàng ngày, Hội LHPN huyện xuất kinh phí vận động để mua thêm thịt, cá và bàn bạc thiết kế thực đơn mỗi ngày 3 bữa, xuyên suốt 6 ngày trong tuần không trùng lắp món cũ nhằm đổi khẩu vị liên tục. Ngoài ra, các nhà hảo tâm còn gửi tặng thêm chè, xôi, bánh, trái cây để bổ sung thêm dinh dưỡng cho bác sĩ và bệnh nhân.
Đảm nhận là đầu bếp chính, ngoài bỏ công, chị Tuyết Nga còn tự nguyện chịu luôn phần chi phí điện, nước của gia đình khi nấu hàng trăm suất ăn hàng ngày. Chị Tuyết Nga cho biết, Hội LHPN huyện ngỏ ý trả tiền công nhưng tâm nguyện muốn được làm từ thiện. “Các em còn việc nhà, việc cơ quan, tôi thì dễ bề xoay sở hơn, ở tại nhà nên sắp xếp các bước nấu nướng đơn giản trước. Đến giờ làm, các thành viên tham gia rất nhanh. Tôi còn được chồng ủng hộ, những lúc ngơi việc ở cơ quan, anh chạy về giúp các việc nặng, mua thêm nguyên liệu, giao cơm…” - chị Tuyết Nga chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) Nguyễn Thị Bích Phượng thông tin, lực lượng phụ nữ ở cơ quan có 5 người nên thời điểm dịch bệnh phức tạp phải lo công việc khá vất vả. Được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, cấp trên huy động thêm phụ nữ từ các đoàn thể khác, giáo viên và một số anh cùng tham gia. Tùy tình hình, các chị tranh thủ công việc cơ quan để đến tổ hậu cần nấu ăn. Hiện nay, tổ có 32 thành viên được chia ca phụ trách. Mỗi ngày bắt đầu từ 4 giờ sáng, liên tục xong mỗi bữa ăn lại bắt tay vào chuẩn bị bữa tiếp theo. Ngày rằm mới đây, các chị còn tổ chức đổ hơn 1.000 cái bánh xèo, ngoài cung cấp cho bệnh viện dã chiến còn tặng người dân khó khăn trên địa bàn.
“Ngoài hỗ trợ nấu ăn, Hội LHPN huyện còn vận động các nhà hảo tâm cung cấp rau, củ, quả tặng cho người dân trong khu phong tỏa ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh đó còn chăm lo cho trẻ em, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng do dịch bệnh. Dù ở vai trò hậu phương, thời gian qua các chị luôn tích cực với công việc của mình, cố gắng vừa lo tròn chuyên môn, vừa san sẻ trách nhiệm xã hội. Chúng tôi chỉ mong mọi người cùng đồng lòng sớm vượt qua dịch bệnh” - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân Nguyễn Thị Bích Phượng bày tỏ.
MỸ HẠNH