Đến vườn dưa lưới rộng 1.000m2 của ông Đắt, vợ chồng ông đưa chúng tôi tham quan thành quả sau gần 3 tháng dày công chăm sóc với những trái dưa to tròn, căng mọng chờ đến ngày thu hoạch. Ông Đắt cho biết: “Trồng dưa lưới trong nhà màng đỡ cực khâu chăm sóc hay ảnh hưởng bởi dịch bệnh phá hoại cây trồng, thời tiết bất thường, nhưng không vì thế mà giao phó hết cho công nghệ. Ở đây, chúng tôi chỉ rảnh tay được công đoạn phun tưới nước hàng ngày, vì mảnh vườn đã được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Nghĩa là nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây, 1 tiếng đồng hồ thiết bị sẽ tự động bật tưới nước 1 lần. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều, song mỗi ngày vợ chồng tôi đều ra thăm vườn để thực hiện các công đoạn chăm sóc, tỉa lá, cắt đọt để cây tập trung nuôi trái to. Hàng ngày nhìn cây do mình chăm sóc phát triển tốt, vợ chồng tôi mừng lắm. Ai cũng hy vọng sẽ thoát được cuộc sống cơ cực, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Vợ chồng ông Đắt rất phấn khởi với mùa vụ đầu tiên
Chia sẻ ý tưởng đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng, ông Đắt tự hào cho biết, đó là công lao của con trai mình. Tốt nghiệp kỹ sư ngành nông nghiệp, khi ra trường đi làm, con ông Đắt đam mê với cây dưa lưới nên về bàn bạc với gia đình và khuyên vợ chồng ông đừng vất vả đi cấy mướn, nên tập trung đầu tư trồng cây dưa lưới. Suy tính một thời gian khá lâu, vợ chồng ông Đắt quyết định gom tất cả tiền dành dụm và vay mượn thêm để trồng dưa lưới, với kinh phí đầu tư khoảng 360 triệu đồng. Từ khi trồng đến nay, vợ chồng ông là người trực tiếp chăm sóc, con trai do bận công việc nên chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nhằm chăm sóc cho cây được tươi tốt. “Lúc nào ươm giống, thay bầu, giai đoạn nào thụ phấn tốt, cách thụ phấn làm sao, tỉa lá thế nào… tất cả đều do con trai hướng dẫn. Dù có con giúp đỡ nhưng trước khi quyết định trồng dưa lưới trong nhà màng, tôi đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều nơi khác. Các nơi tôi đến học tập kinh nghiệm, bà con rất nhiệt tình chia sẻ nên tôi biết được đôi chút” - bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1960, vợ ông Đắt) thật thà chia sẻ.
Ông Đắt cho biết, từ giai đoạn trồng đến khi lặt chèo, tỉa nhánh khoảng 14 ngày. Đến ngày thứ 26 thì tiến hành thụ phấn cho cây dưa lưới. Việc thụ phấn được thực hiện bằng phương pháp thủ công (lấy nhụy hoa đực úp vào hoa cái). Mỗi dây để khoảng 3-4 trái, sau đó 1 tuần, trái dưa phát triển khá ổn định về hình dạng thì lựa ra 1 trái tốt nhất để lại. Làm như vậy, trái sau khi thu hoạch sẽ đều và đẹp hơn. Tuy phải tốn khá nhiều thời gian cho công đoạn thụ phấn, song mỗi ngày thấy trái phát triển đúng theo ý muốn của mình, ông Đắt cảm thấy rất phấn khởi. Ông lưu ý, nên thực hiện việc thụ phấn vào sáng sớm để trái đạt chất lượng tốt nhất. Với số lượng 2.500 cây giống, ông Đắt cho biết do lấy hạt giống chất lượng nên khi ươm mầm đến lúc trồng, không bị hụt cây nào. Bà con quanh xóm thấy vợ chồng ông Đắt trồng dưa tươi tốt nên đến học hỏi. “Tôi sẵn sàng hướng dẫn bà con cách chăm sóc, gieo trồng để cây phát triển tốt nhất, đầu tư chi phí cao mà không rành kỹ thuật chăm sóc thì khổ lắm” - ông Đắt chùn giọng.
Hiện nay, vườn dưa lưới của vợ chồng người nông dân chân đất ấy đang bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Nếu tính trung bình 1 trái dưa đạt trọng lượng từ 1,5-1,7kg, vụ này có thể đạt 3,7 tấn, với số tiền khoảng 150 triệu đồng. “Vậy là, chỉ cần nỗ lực chăm sóc tốt, khoảng 2 vụ nữa tôi đã thu hồi vốn và có lời. Là loại cây ngắn ngày, dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng, 1 năm có thể trồng được 3 vụ. Chỉ cần trồng đúng kỹ thuật, lợi nhuận từ dưa lưới rất cao”- ông Đắt phấn khởi cho biết.
Có thể nói, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đang là hướng phát triển của ngành nông nghiệp, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm. Việc nhân rộng mô hình là việc làm cần thiết. Bởi, không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN