Nỗ lực giảm chi phí phân bón

26/08/2021 - 06:09

 - Trong canh tác lúa, phân bón chiếm tỷ lệ lớn nhất (hơn 25%) trong chi phí giá thành. Để hạ nhiệt tình trạng tăng “nóng” của giá phân bón, cần tập trung hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), đại lý trong vận chuyển, cung ứng phân bón, tiết giảm các chi phí phát sinh. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, dần thay thế những thành phần khác có giá rẻ hơn.

Hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong canh tác lúa tiết kiệm chi phí

Gánh nặng chi phí

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình trạng phân bón tăng giá trong thời gian qua là điều dễ hiểu. Những tác động làm tăng giá phân bón khi đến tay nông dân, gồm: nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân bón tăng cao, chi phí sản xuất của DN tăng, chi phí vận chuyển từ nhà sản xuất đến đại lý cấp 1 tăng; chi phí của đại lý cấp 1, cấp 2 tăng do vận chuyển khó khăn, tốn nhiều chi phí xét nghiệm hàng ngày cho tài xế, công nhân bốc xếp; hỗ trợ ăn, nghỉ cho nhân viên, phun khử khuẩn tại khu vực sản xuất “3 tại chỗ”…

Đối với yếu tố nguyên liệu nhập khẩu tăng giá, cước tàu biển tăng, được xem là khách quan, chỉ có thể can thiệp ở tầm vĩ mô bằng chính sách giảm thuế, tổ chức đội tàu vận chuyển của Việt Nam. Các DN sản xuất đã nỗ lực tiết kiệm chi phí đầu vào để kéo giá thành phân bón trong nước thấp hơn phân bón nhập khẩu. Như vậy, vấn đề còn lại là làm sao giảm chi phí vận chuyển, hoạt động của đại lý cấp 1, 2, 3 để hạn chế đội thêm chi phí vào giá bán lẻ khi đến tay nông dân?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, với khâu vận chuyển từ những nhà máy sản xuất, như: đạm Phú Mỹ (TP. Hồ Chí Minh), đạm Cà Mau (tỉnh Cà Mau) về đại lý cấp 1 ở An Giang, có thể kết hợp với đội sà lan để ký gửi hàng hóa. “Những sà lan khi đến An Giang mua cát, đá thường chạy không. Tỉnh có thể kết nối để các DN sản xuất hợp tác gửi phân bón theo chiều đi, vận chuyển xuống đại lý cấp 1 ở An Giang” - ông Thư gợi ý. Đối với vận chuyển từ đại lý cấp 1 trực tiếp xuống hợp tác xã nông nghiệp, tỉnh có thể nhờ Quân khu 9 hỗ trợ xe tải vận chuyển để tiết kiệm các khâu trung gian.

Bên cạnh bài toán chi phí vận chuyển thì chi phí test nhanh SARS-CoV-2 hàng ngày cho tài xế, nhân viên, công nhân bốc xếp cũng là gánh nặng của đại lý phân bón, buộc các đại lý phải cộng vào giá bán. Đại diện đại lý phân bón Ba Vinh (đại lý cấp 1 ở huyện Tri Tôn) cho biết, việc xếp hàng chờ xét nghiệm rất mất thời gian, trong khi giá trị test nhanh chỉ có 24 giờ. “Thời điểm này, xe vận chuyển rất khó khăn, tài xế, người theo xe lại phải test nhanh hàng ngày nên nhiều người ngán ngại, không muốn tham gia vận chuyển phân bón” - đại lý này cho biết.

Có trường hợp như đại lý phân bón cấp 1 ở huyện Châu Phú, chỉ còn chưa tới 1/3 số tài xế chịu đi làm, do ngán ngại chờ đợi lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày.

Cần linh hoạt cách làm

Ở vùng có diện tích sản xuất lúa lớn như huyện Thoại Sơn, địa phương tạo điều kiện tối đa cho các đại lý phân bón vận chuyển, phân phối hàng, tiết giảm chi phí để nông dân được mua phân bón với giá tốt nhất. Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm cho biết, khi xác định “vùng xanh”, tài xế, người theo xe thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, lực lượng chức năng không yêu cầu phải test. Đối với tài công ghe, tàu và những người bốc xếp theo cùng, khi có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn thời hạn trong 72 giờ, kể cả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm PCR, đều được chấp nhận cho bốc hàng lên...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, vụ thu đông 2021, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 160.957ha lúa, tổng lượng phân bón cần dùng khoảng 88.830 tấn, tương đương gần 1,78 triệu bao. Trong đó, phân Ure sử dụng 197,3kg/ha, cần 635.220 bao; phân NPK 138,6kg/ha, cần 446.044 bao; phân DAP 122,9kg/ha, cần 395.750 bao; phân Kali 99,1kg/ha, cần 299.574 bao. Có 3 giai đoạn cần sử dụng lượng lớn phân bón là: giai đoạn từ ngày 1-9 đến 5-9 (đợt 1); giai đoạn từ ngày 15-9 đến 20-9 (đợt 2) và giai đoạn từ ngày 5-10 đến 10-10 (đợt 3).

Trong 11 yếu tố tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất, chi phí phân bón chiếm cao nhất với 25,1%, chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm vị trí thứ 2 với 18,45%, kế đến là chi phí thu hoạch chiếm 9,42%, chi phí giống chiếm 8,74%... Qua theo dõi giá thành sản xuất từ năm 2017 đến nay, bình quân giá thành vụ thu đông là 4.017 đồng/kg lúa. Nếu giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân.

Ông Trương Kiến Thọ cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường hướng dẫn nông dân giảm các yếu tố đầu vào có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, chi phí thu hoạch bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay. Đồng thời, tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng chương trình “1 phải, 5 giảm”, như: khuyến khích nông dân giảm giống, giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước tiết kiệm… Ngành nông nghiệp khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao; khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, để giảm áp lực lên nhu cầu phân bón vô cơ trong nước. Bên cạnh đó, tuyên truyền mạnh mẽ vai trò của tưới ngập khô xen kẽ giúp quản lý tốt đổ ngã, dễ dàng cho khâu thu hoạch, tiết kiệm chi phí thu hoạch và vận chuyển; đẩy mạnh ứng dụng IPM trong sản xuất, giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu…

NGÔ CHUẨN