Nỗ lực tăng trưởng nông nghiệp

12/08/2019 - 20:39

Với những khó khăn về thời tiết và thị trường, tăng trưởng nông nghiệp năm 2019 khó đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao (từ 2,63-3,34%). Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, toàn ngành vẫn phải nỗ lực quyết liệt để đạt kế hoạch theo kịch bản đề ra.

Đàn bò có khuynh hướng tăng trở lại

Cố gắng vượt qua thách thức

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi, thị trường thiếu ổn định đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, năng suất lúa đông xuân đạt 7,1 tấn/ha (giảm hơn 0,25 tấn/ha so cùng kỳ). Nguyên nhân do mưa bão đầu năm, cuối vụ lại nắng nóng, mật số rầy tăng cao trước và sau Tết Nguyên đán. Đến vụ hè thu 2019, năng suất khá hơn năm 2018 nhưng giá lúa lại giảm trên dưới 1.000 đồng/kg. Bù lại, diện tích cây ăn trái tăng 1.804ha (hiện nay đạt 15.338ha), tập trung lớn nhất là xoài (10.395ha, tăng 1.111ha). Năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng nên sản lượng thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 108.300 tấn, tăng 12,22% (tương đương 10.800 tấn). Trong đó các giống xoài như: xoài Đài Loan, cát Hòa Lộc đạt 55.700 tấn, tăng gần 9.800 tấn so cùng kỳ. Vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái được 1.760ha.

Trong lĩnh vực thủy sản, do giá cá đang giảm nên các doanh nghiệp thả giống chậm lại so kế hoạch. Đối với các hộ nuôi, phát sinh tình trạng neo cá (kéo dài thời gian nuôi), cho ăn cầm chừng để chờ giá tăng. Bù lại, nhờ triển khai tích cực, hiệu quả đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp, tính từ đầu năm đến nay, sản xuất giống cá tra tăng 100 triệu con, thị trường tiêu thụ ổn định, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, do bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nên ngành chăn nuôi tập trung cho công tác phòng, chống dịch là chính. Dù tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 6 tháng đầu năm đạt 16.549 tấn, tăng 1.513 tấn so cùng kỳ nhưng giá trị ngành chăn nuôi không đạt kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,16%. Kết quả này dù cao hơn cùng kỳ 2018 nhưng chưa đạt kế hoạch tăng trưởng của tỉnh (kịch bản đề ra là 3,9%). Trong đó trồng trọt giảm 120 tỷ đồng, chăn nuôi giảm 77 tỷ đồng, thủy sản giảm 32 tỷ đồng so kịch bản.

Tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, tăng trưởng chưa đạt theo kịch bản trong 6 tháng đầu năm buộc quý III và quý IV, ngành nông nghiệp phải điều hành quyết liệt để đạt mức tăng trưởng cả năm 2019 là 2,6%. Muốn vậy, cần tập trung triển khai, điều hành kế hoạch sản xuất đối với 3 lĩnh vực chủ chốt là: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Đối với trồng trọt, dự kiến năng suất lúa hè thu 2019 đạt 5,78 tấn/ha, tăng 0,12 tấn/ha so kế hoạch (năng suất vụ hè thu 2018 đạt 5,53 tấn/ha). Đối với vụ thu đông 2019, kế hoạch xuống giống 168.322ha, gồm: 152.292ha lúa và 16.030ha hoa màu. Để giảm áp lực về sản lượng lúa, tỉnh dự kiến xả lũ khoảng 26.000ha. Bù lại, tăng thêm diện tích lúa và rau, màu ở các vùng triền núi của 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, giúp diện tích lúa, hoa màu vụ hè thu và thu đông đạt kế hoạch.

Đối với chăn nuôi, đến cuối năm 2019, dự báo tổng đàn heo sẽ giảm mạnh (còn trên 80.000 con), đàn trâu, bò có xu hướng tăng nhẹ (đạt khoảng 74.000 con), đàn gia cầm đạt khoảng 4,7 triệu con. Nhằm tăng thêm nguồn cung thịt heo an toàn, 2 trại chăn nuôi heo Hoàng Vĩnh Gia và An Khang tiếp tục nhập khoảng 10.500 con heo nuôi thịt. Quy trình nhập nuôi đảm bảo thực hiện theo Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY, ngày 18-6-2019 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn kiểm soát vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Đối với sản phẩm chủ lực cá tra, tuy kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc bị sụt giảm nhưng bù lại, thị trường Liên minh Châu Âu (EU), ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Philippines) tăng mạnh. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực, giúp cá tra Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các loại thủy sản đánh bắt tại EU. Trong khi đó, với Hiệp định hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mặt hàng thủy sản hưởng thuế suất 0% hoặc giảm thuế khi xuất khẩu sang các nước ký kết sẽ giúp xuất khẩu cá tra ổn định, sản lượng gia tăng. Dự báo, diện tích thủy sản nuôi thu hoạch cả năm 2019 đạt 3.422ha, tăng 113ha so năm 2018 (trong đó cá tra 1.500ha, tăng 70ha); sản lượng 575.000 tấn, tăng 63.000 tấn (cá tra 420.000 tấn, tăng 57.000 tấn). Đồng thời, giống cá tra sản xuất năm 2019 khả năng đạt 2,4 tỷ con, tăng 250 triệu con so năm 2018. Đây là ngành hàng được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN