Nông dân Châu Lăng thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

16/05/2019 - 09:06

 - Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi ở xã Châu Lăng (Tri Tôn) có những tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ phong trào này đã xuất hiện những mô hình mới, cách làm hay… giúp nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Châu Lăng là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống (chiếm 65% dân số toàn xã) của huyện Tri Tôn. Những năm qua, với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp Hội Nông dân, thêm vào đó là ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế của hội viên, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của xã Châu Lăng có sức lan tỏa rộng lớn và ngày càng đi vào chiều sâu, từ đó, xuất hiện nhiều nông dân giỏi với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình chị Néang Kim Eng (ấp An Lợi).

Chị Néang Kim Eng (thứ 2, bên trái qua) là một trong những điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của xã Châu Lăng

Chị Eng cho biết, sau khi lập gia đình, chị được ba mẹ chia cho 0,5ha đất nông nghiệp. Diện tích đất này, gia đình chị trồng lúa, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, gia đình chị được tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, từ đó, chị mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn và nhận được nhiều kết quả khả quan. Việc canh tác lúa ngày càng thuận lợi, đảm bảo thu nhập ổn định cho gia đình, từ đây chị phát triển thêm mô hình chăn nuôi heo. Chị Eng chia sẻ: “Nhờ việc canh tác lúa và nuôi heo mang lại hiệu quả, gia đình tôi mua thêm 2ha đất sản xuất. Hiện nay, thu nhập từ 2ha lúa khoảng 260 triệu đồng/năm, từ chăn nuôi heo mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Tổng thu nhập bình quân là 360 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lời 177 triệu đồng/năm” - chị Néang Kim Eng chia sẻ. Ngoài ra, chị còn tích cực vận động bà con ủng hộ tiền bạc và ngày công lao động để cùng Ban Nhân dân ấp làm đường lộ giao thông nông thôn, sửa cầu… phục vụ đi lại, sản xuất của người dân trong phum, sóc.

Tương tự chị Eng, gia đình ông Chau Sắp (ấp Lò Reng) cũng là một điển hình nông dân SXKD giỏi với mô hình trồng lúa và dịch vụ nông nghiệp. Ông Sắp cho biết, gia đình ông có 2,2ha đất ruộng, trồng lúa. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như được tham quan nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, việc sản xuất của ông đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho gia đình, ông còn mua máy cày và thực hiện dịch vụ cày đất cho bà con. Hiện nay, từ trồng lúa và dịch vụ cày đất, trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 155 triệu đồng/năm. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Sắp cho biết: “Để có được như hôm nay, ngoài siêng năng, chăm chỉ và biết tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, bản thân tôi không ngừng học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao được thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Không chỉ nỗ lực lao động, sản xuất phấn đấu làm giàu trên chính quê hương mình, bà con nông dân đồng bào dân tộc thiểu số Khmer xã Châu Lăng còn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, toàn xã có 356 hội viên là nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có 296 hội viên là người dân tộc thiểu số Khmer. Ngoài 2 điển hình nêu trên, xã Châu Lăng còn có nhiều nông dân Khmer doanh thu đạt từ 200-900 triệu đồng/năm, như: ông Chau Cheng (ấp Tà On), ông Chau Sắk (ấp Phnôm Pi), ông Chau Sônl (ấp An Hòa), ông Chau Chanh (ấp Bằng Rò)… “Đây là những nông dân tiêu biểu, không chỉ làm giàu riêng cho bản thân mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, tạo sự chuyển biến tích cực phong trào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi tại địa phương” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh thông tin.

Có thể thấy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi và hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo ở xã Châu Lăng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, khơi gợi trong mỗi gia đình hội viên ý chí vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

ĐỨC TOÀN