Nông dân Châu Thành tích cực chuyển đổi sản xuất

15/03/2023 - 10:14

 - Thời gian qua, huyện Châu Thành luôn quan tâm vận động và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông hộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Vườn sầu riêng trĩu quả

Nuôi lươn sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tích cực chuyển giao công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi; khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, được duy trì và nhân rộng. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Điển hình như mô hình trồng mít của ông Võ Văn Thơ (ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An). Với hơn 2.000 gốc mít được trồng trên diện tích trên 2ha, cứ 10 ngày ông thu hoạch 1 đợt được khoảng 1 tấn trái, với giá 35.000 đồng/kg, trung bình mỗi đợt bán khoảng 35 triệu đồng. Theo ông Thơ, sản lượng mít thu hoạch giảm 3 - 4 lần so với trước, do ông xen canh thêm 280 cây sầu riêng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm dừa, bưởi và một số loại rau xanh phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân.

Quá trình sản xuất, ông Thơ luôn tích cực lao động sản xuất, không ngại khó, luôn tìm tòi học hỏi, tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới thông qua các lớp tập huấn, hội thảo do Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành tổ chức. Từ đó, đúc kết những kinh nghiệm hay, những mô hình hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Lấy ngắn nuôi dài, dự kiến đến năm 2024, sầu riêng của ông sẽ bắt đầu cho trái. Lúc đó, thu nhập của gia đình sẽ tăng lên. “Tôi còn dự định nuôi thêm gà, cá, ốc và nâng cấp mở rộng tuyến đường vào vườn, đầu tư nhà mát, trang trí tiểu cảnh, phục vụ đờn ca tài tử… để phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái” - ông Thơ chia sẻ.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Văn Kết (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) thành công với mô hình trồng sầu riêng. Năm 2017, ông mạnh dạn chuyển 0,5ha đất từ trồng lúa sang trồng 100 cây sầu riêng loại giống Ri-6. Sau 5 năm trồng, vườn sầu riêng của ông cho trái đợt đầu tiên. Ước tính, cây cho trái tới tháng 5, thu hoạch khoảng 1,5 tấn, giá bán trung bình 80.000 đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình ông khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích trống giữa các cây sầu riêng để trồng thêm chanh, dừa, khóm, thu hoạch mỗi năm được khoảng 20 triệu đồng.

Theo ông Kết, để vườn sầu riêng sinh trưởng tốt, ngoài cung cấp đủ nước, phòng trừ sâu bệnh cần phải thường xuyên chăm sóc cho cây phát triển sẽ cho chất lượng trái tốt. Để giảm chi phí và nhân công, ông còn ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn sầu riêng của mình.

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Châu Thành còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi lươn sinh sản của anh Phan Ngọc Thuận (ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh). Với sự siêng năng, chịu khó học hỏi, anh Thuận mạnh dạn đầu tư nuôi lươn sinh sản bằng phương pháp bán nhân tạo. Hiện, mô hình có đầu ra ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy đầu ra lươn thương phẩm không còn ổn định, giá cả bấp bênh lại hao hụt nhiều, nên từ năm 2022, nhờ hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, anh Thuận đã mạnh dạn chuyển hết diện tích nuôi lươn thương phẩm sang nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo. Quá trình thực hiện, anh được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ từ khâu chọn giống, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Sau khi thả lươn nuôi khoảng 6 tháng, anh bắt đầu tuyển chọn lươn bố mẹ phải trơn nhẵn, bóng, không dị hình, hoạt động mạnh… để bắt đầu cho sinh sản. Theo anh Thuận, lươn con mới nở thân rất nhỏ, ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể, nên trong thời gian này sục ô-xy phải được duy trì liên tục. Lươn nở được 5 ngày thì chuyển sang bể ương trong nhà, bắt đầu cho ăn trứng nước, trùng chỉ. Sau 20 ngày, lươn đủ kích thước 3 - 5cm, bắt đầu xuất bán, tỷ lệ hao hụt thấp 10%.

Mỗi tháng, anh Thuận thu hoạch 2 đợt lươn sinh sản, với số lượng 8.000 con lươn giống/đợt, giá trung bình 2.000 đồng/con, trừ chi phí còn lãi từ 6 - 8 triệu đồng/đợt. “Để có được nguồn lươn giống chất lượng, người nuôi phải nắm rõ kỹ thuật chăm sóc lươn giống bố mẹ thật tốt, từ khâu thay nước, cho ăn, đến kích thích sinh sản” - anh Thuận chia sẻ.

Ngành nông nghiệp huyện Châu Thành tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi mới cho nông dân; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa bệnh, quy trình nuôi theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân để đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

KHÁNH MY