Nông dân Lê Trì đoàn kết giúp nhau làm giàu

12/06/2019 - 08:34

 - Lê Trì là một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Tri Tôn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, những năm qua, với với ý chí vượt khó vươn lên, nông dân xã Lê Trì không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Thời gian qua, trên địa bàn xã Lê Trì đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất - kinh doanh, vươn lên làm giàu; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Anh Lê Văn Minh (sinh năm 1959, ngụ ấp An Thạnh, xã Lê Trì) một trong những điển hình nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu của địa phương. Anh Minh cho biết, trước đây gia đình anh canh tác lúa và rau màu theo kinh nghiệm dân gian nên năng suất bấp bênh, lợi nhuận lúc tăng, lúc giảm. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, anh Minh được tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao KHKT nên việc canh tác thuận lợi, năng suất cây trồng ổn định, mang lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình. “Nhờ cán bộ, kỹ thuật viên hướng dẫn, tôi đã kiểm soát được quá trình sinh trưởng và phát triển của rau màu và cây lúa mà không phụ thuộc vào thời tiết, năng suất đạt khá. Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp của gia đình là 3ha. Mỗi năm, từ canh tác lúa và trồng rau màu đem lại lợi nhuận cho gia đình tôi khoảng 230 triệu đồng, ổn định cuộc sống” - anh Minh cho hay.

Nông dân Lê Trì đoàn kết giúp nhau làm giàu

Nông dân Lê Trì đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Gia đình anh Chau Phô (sinh năm 1990, ngụ ấp Trung An), nhờ áp dụng chương trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, kết hợp sử dụng giống lúa chất lượng cao đã giúp anh giảm đáng kể giá thành sản xuất, lợi nhuận mỗi năm đạt khoảng 400 triệu đồng. Nhớ lại thời điểm khó khăn, anh Phô chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất nông nghiệp là chính, diện tích canh tác khoảng 4ha. Trước đây, tôi chủ yếu canh tác nông nghiệp theo kinh nghiệm bản thân, năng suất lúa bấp bênh nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là của Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho tôi tham gia nhiều cuộc hội thảo và nhiều lớp tập huấn ngắn ngày do huyện và tỉnh tổ chức. Từ đó, tôi đã lựa chọn được phương án sản xuất phù hợp cho gia đình, từ đây gia đình tôi có bước phát triển như hiện nay” - anh Phô tâm sự.

Trên đây là điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tại địa phương. Điều đặc biệt là những ngoài nỗ lực nâng cao thu nhập cho bản thân, các hội viên, nông dân còn đóng góp công sức, tiền của để xây dựng giao thông nông thôn; đóng góp các loại quỹ an sinh xã hội… qua đó, đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Có được kết quả trên, một phần là nhờ các cấp Hội Nông dân trên địa bàn xã Lê Trì đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển đa dạng các loại hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, hộ gia đình. Nhờ vậy, nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hội còn tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành mở nhiều lớp tập huấn, dạy nghề nhằm chuyển giao KHKT cho hội viên. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ mua giống cây ăn quả, giống lúa, giống lạc giúp hội viên phát triển sản xuất.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Lê Trì sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua…

ĐÌNH ĐỨC