Nông dân miền núi liên kết trồng cây ăn trái

21/09/2020 - 07:40

Mặc dù có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, nhưng do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên nhiều nông dân xã Ô Lâm (Tri Tôn) thường rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Để giải quyết bài toán trên, nông dân trong xã đã tập hợp, thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ô Lâm. Đây sẽ là “bàn đạp” giúp nông sản địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...

Phát triển vườn cây ăn trái

Ô Lâm có diện tích tự nhiên trên 3.073ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.277ha. Trên địa bàn xã có các tiểu vùng đê bao khép kín, hệ thống tưới tiêu và kênh mương vững chắc, thuận tiện cho nông dân quản lý nước và canh tác. Do đó, việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân đạt được nhiều kết quả đáng kể, năng suất và sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Cũng nhờ vào những lợi thế đó mà nông dân đã lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện canh tác của địa phương nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong số nhiều loại cây trồng thì cây xoài được đông đảo nông dân lựa chọn. Ông Bùi Xuân Điện (nông dân ấp Phước Bình) cho biết, hiện ông đang sở hữu 120 công đất, chủ yếu là canh tác xoài với các loại: xoài keo, xoài Úc, xoài tượng da xanh… Loại cây trồng này phù hợp với vùng đất núi nên năng suất và chất lượng khả quan. Mỗi năm, từ việc bán xoài đã đem về thu nhập cho gia đình ông trên 300 triệu đồng.

Ra mắt các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Ô Lâm

Tuy nhiên, theo ông Điện việc canh tác xoài thời qua gặp nhiều khó khăn, nông dân thường xuyên gặp điệp khúc “được mùa, mất giá”. Nguyên nhân do sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, mỗi người canh tác 1 loại giống cây trồng khác nhau. Bên cạnh đó, việc nắm bắt nhu cầu thị trường còn thiếu đã tạo ra tình trạng cung vượt cầu và chưa biết đầu ra như thế nào, đến khi thu hoạch thì bị “cò”, thương lái ép giá. Ngoài ra, do diện tích trồng xoài ngày càng tăng nên giá cả không ổn định, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Nông dân liên kết

Trước những khó khăn trên, năm 2018, từ lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, nông dân xã Ô Lâm đã thành lập tổ hợp tác trồng xoài với 36 thành viên. Tổ hợp tác cung cấp sản lượng xoài cho công ty, đầu mối hàng năm với sản lượng khoảng 200 tấn, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, nhận thấy hợp tác liên kết từ khâu sản xuất và tiêu thụ chưa đồng bộ, giá thành đầu vào cao và giá trị bán ra sản phẩm thấp, không ổn định nên tổ hợp tác quyết tâm cùng nhau góp vốn thành lập HTX nông nghiệp Ô Lâm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, sử dụng các dịch vụ với giá thấp, tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện cuộc sống người dân.

HTX nông nghiêp Ô Lâm được thành lập ngày 4-9 với 16 thành viên, vốn điều lệ 150 triệu đồng. Tham gia HTX, các thành viên sẽ được cung cấp giống cây trồng đảm bảo chất lượng với giá ưu đãi nhất, tiền cây giống sẽ được trả nhiều đợt để tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên và hộ lân cận. Các thành viên còn được cung cấp vật tư nông nghiệp với giá hợp lý nhờ vào việc ký hợp đồng với những công ty, đảm bảo giá mua sẽ thấp hơn với giá thị trường. HTX còn tìm kiếm các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên với giá có lợi nhất, ngoài ra các thành viên còn được thường xuyên hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái… giúp người nông dân từng bước nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất…

Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường như hiện nay thì việc thành lập HTX nông nghiệp Ô Lâm đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết nông dân lại với nhau. Đây còn là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ; giữa nông dân với nhà khoa học, giữa nông dân với doanh nghiệp. HTX còn giúp tổ chức sản xuất với quy mô lớn, tập trung nên chất lượng đồng đều, ổn định, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đây là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường, giúp thành viên và người dân phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

ĐỨC TOÀN