Nông dân Phú Tân sáng tạo trong cách tiêu thụ nông sản

28/08/2024 - 07:02

 - Trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) nói riêng, một số cửa hàng nông sản ra đời trước đây do doanh nghiệp hoặc cá nhân thuê mặt bằng ở chợ, trung tâm dẫn đến áp lực về chi phí và hiệu quả kinh doanh. Để tháo gỡ những khó khăn trên, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã khai trương cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với cách vận hành mới, mong muốn tạo kênh tiêu thụ thiết thực hơn cho nông dân và người tiêu dùng tiếp cận thuận lợi.

Mô hình được Hội Nông dân huyện thực hiện nhằm chào mừng Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện lần thứ XIII, giai đoạn 2022 - 2024 là cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP tại cửa hàng Đại Phước Lợi (xã Hòa Lạc).

Tại đây, Hội Nông dân huyện đưa các sản phẩm nông sản tiêu biểu đến bày bán, gồm: Bưởi da xanh, nhãn, gạo, nếp, mật ong, đường phèn… Đặc biệt, có các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP của nông dân “xứ nếp”, như: bánh ngũ cốc Kim Thành, trà Hữu Nghĩa, rượu dâu tằm Ngọc Thái, cà na Nguyễn Trung, cá thát lát rút xương tẩm vị Thanh Tùng…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, đây là mô hình mới, về quy mô chưa đáp ứng hết yêu cầu của nông dân, nhưng là kết quả bước đầu, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm đạt chuẩn OCOP của các cơ sở sản xuất trong huyện.

Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất - kinh doanh, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn; thiết lập được chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa và kết nối giữa các chủ thể, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cửa hàng nông sản khai trương tại xã Hòa Lạc

Trước khi khai trương cửa hàng nông sản, Hội Nông dân huyện và xã đã khảo sát về địa hình, nhất là vị trí để đủ điều kiện hoạt động kinh doanh, người dân thuận lợi đến tham quan, mua bán. Xã Hòa Lạc có điều kiện thuận lợi vì nằm trên Đường tỉnh 951 và được quy hoạch phát triển lên đô thị loại V, giao thương mạnh giữa huyện Phú Tân và TP. Châu Đốc.

Trong quá trình khảo sát, hầu hết người dân bày tỏ quan điểm, hiện nay họ không chỉ có nhu cầu ăn no, ăn đủ… mà còn phải đảm bảo sản xuất sạch, chất lượng ngày càng cao. Vì vậy, có một cửa hàng trước tiên để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sau là ủng hộ nông sản bà con ở địa phương là điều rất cần thiết.

“Nơi trưng bày nông sản là cửa hàng của hội viên nông dân, nằm ngay mặt tiền, vốn đầu tư không quá lớn nhưng có tiềm năng thu lại lợi nhuận kinh tế cho gia đình, thời gian quay vòng nguồn vốn nhanh. Hàng hóa tại cửa hàng đều là nông sản chất lượng được chứng nhận, yếu tố quan trọng để khách hàng biết rõ nguồn gốc, tin tưởng và an tâm về chất lượng, nguồn nông sản lựa chọn phong phú. Vị trí cửa hàng Đại Phước Lợi gần trung tâm chợ, đông dân cư, thuận tiện cho nhiều người đến tìm hiểu và mua bán” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lạc Hồ Ngọc Lợi chia sẻ.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) Ngô Hoàng Trọng, một trong những chỉ tiêu quan trọng hội nông dân đặt ra năm 2024 là thành lập các cửa hàng nông sản an toàn. Khi đưa ra chỉ tiêu này, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh rất đắn đo và triển khai trong thực tế gặp khó khăn, bởi chưa định hình được cách vận động và thành lập cụ thể mà chỉ dừng lại ở ý tưởng.

Với sự nỗ lực, tính sáng tạo của Hội Nông dân huyện Phú Tân đưa ra mô hình cửa hàng rất hay. Đây là cửa hàng nông sản đầu tiên của tỉnh với cách vận hành mới lạ. Từ mô hình này, Hội Nông dân tỉnh và các huyện sẽ học hỏi để cùng thực hiện. Mong rằng mô hình này ngày càng phát triển, kinh doanh hiệu quả; các sản phẩm của nông dân sẽ được tiêu thụ nhiều hơn, đa dạng hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phú Tân là huyện thuần nông, những năm qua, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các lĩnh vực phát triển khá toàn diện, phát triển nông nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng, là bệ đỡ của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của huyện cù lao thực hiện theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu định hướng sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuổi giá trị, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện cù lao đã có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Trong điều kiện hiện nay, tiêu thụ nông sản là vấn đề rất quan trọng. Với người nông dân, mong mỏi lớn nhất là sản xuất có đầu ra ổn định, giá cả tốt và lợi nhuận cao. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho rằng, từ mô hình thí điểm ở xã Hòa Lạc, thời gian tới nếu mỗi xã phát triển được 1 cửa hàng sẽ góp phần trong liên kết và tiêu thụ nông sản cho nông dân đáng kể.

Hội Nông dân huyện Phú Tân sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, khảo sát tình hình ở những nơi phù hợp, phấn đấu vì mục tiêu lâu dài trên địa bàn huyện sẽ có thêm nhiều mặt hàng nông sản chất lượng nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng được tiêu thụ và kết nối đến người tiêu dùng hiệu quả.

MỸ HẠNH