Đó là kết quả chủ động vượt lên dịch bệnh, duy trì và phát triển sản xuất của chính quyền và người dân nơi đây.
Dịch bệnh gây ùn ứ, giảm giá nông sản Sa Pa
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh từ đầu tháng 4 đến nay, ở thị xã Sa Pa xuất hiện ca dương tính, phải phong tỏa một số khách sạn, nhà hàng nên đã vắng bóng khách du lịch; kéo theo hàng nghìn tấn su su, bắp cải, cà chua và hàng chục triệu bông hoa ly, hoa hồng của hàng trăm hộ nông dân, hàng chục hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất bị ùn ứ, giảm giá, khó tiêu thụ, thối hỏng bị loại bỏ.
Giống cà chua vô hạn, chịu nhiệt có thể cho thu hoạch liên tục tới 18 tháng, năng suất cao, chất lượng tốt được trồng ở vùng chuyên canh của thị xã Sa Pa (Lào Cai).
“Trước khi có dịch, mỗi năm Sa Pa đón gần 3 triệu lượt khách du lịch đến nghỉ dưỡng, khám phá bản làng, nên tiêu thụ một lượng khá lớn nông sản tại chỗ, còn lại được các siêu thị, nhà hàng, tư thương ở những chợ đầu mối Hà Nội, Hải Phòng, bếp ăn các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên thu mua hết, chúng tôi chỉ việc tập trung thâm canh, sản xuất bảo đảm năng suất và chất lượng theo cam kết với nơi tiêu thụ là có lãi khá” - chị Đỗ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Đào chuyên canh su su ở phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa cho biết.
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài đã gây thiệt hại rất lớn cho người sản xuất su su, rau và hoa các loại, cây ăn quả ôn đới, cá nước lạnh ở địa phương. Theo Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Pa Triệu Thiết Nghĩa, vụ hè thu này, toàn thị xã có 464 ha rau các loại, chủ lực là su su, với 70 ha, tổng sản lượng khoảng 8.000 tấn; bắp cải là 102 ha, với sản lượng khoảng 1.800 tấn; cà chua, cải thảo, củ cải là 192 ha, với sản lượng khoảng 3.000 tấn.
Về hoa cắt cành, toàn thị xã có hơn 150 ha hoa hồng và hoa ly, với sản lượng hàng trăm triệu bông. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách đến Sa Pa hầu như không có, các đầu mối tiêu thụ ở ngoài tỉnh “teo tóp” nên rau, hoa bị ùn ứ, giảm giá mạnh, trung bình từ 30-40%. Chưa bao giờ nông dân “kinh đô mùa hè” Sa Pa chuyên sản xuất rau ôn đới, hoa cao cấp bị lâm vào cảnh “khó trăm bề” như vậy.
Chủ động giảm đầu vào, kết nối tiêu thụ đa dạng
Kiểm tra sinh trưởng hoa ly để chuẩn bị thu hoạch, xuất bán ra thị trường.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nông dân Sa Pa không ly hương, bỏ đất trống, vườn hoang mà tìm cách vượt lên dịch bệnh, bám đất bám nhà duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Khoảng 9 giờ sáng, anh Nguyễn Trung Triết và các lao động làm thuê miệt mài bấm ngọn, kéo dây leo giàn và thu hoạch, đóng thùng xuất bán tại vườn cà chua hơn 1 ha, ở tổ 1, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa. “Giá giảm mạnh, vậy mà gia đình vẫn trồng nhiều cà chua như vậy, lời lỗ vụ này ra sao?”. Anh Triết chia sẻ: “Là nông dân nên mình không bỏ đất, phải tìm cách “điều tiết” ngay từ đầu vụ trồng, nhất là “điều tiết” cho cây cà chua sinh trưởng gắn theo sức mua và giá cả từng tuần, từng tháng của thị trường trong cả quãng thời gian sinh trưởng của nó, làm sao để chi phí đầu vào thấp nhất, mình có lợi nhất, thì không lỗ, tuy lãi ít nhưng vẫn duy trì sản xuất, không bỏ đất hoang, đợi qua kỳ “xuống đáy” sẽ hồi phục lại nhanh hơn”.
Ngoài ra, anh còn liên kết với các hộ khác thành lập tổ, nhóm liên gia để liên kết với các hợp tác xã, đầu mối tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. Với cách làm này, năm 2020, gia đình anh Triết thu khoảng 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 700 triệu đồng; vụ hè thu năm nay, tình hình dịch bệnh khó khăn hơn, nhưng dự kiến sẽ thu lãi khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí vật tư và công lao động bỏ ra.
Dán tem nhãn, đóng cà chua vào thùng xốp vận chuyển đến các đầu mối tiêu thụ ở miền xuôi.
Chúng tôi đến trang trại hoa ly Dương Hà, lớn nhất Sa Pa, chuyên trồng hoa ly cắt cành của gia đình chị Đào Thị Hà, ở tổ 1, phường Ô Quý Hồ. Vào thời điểm khó khăn nhất, dịp 30/4 và 1/5, khi hàng chục vạn cây hoa ly nở hoa chào đón du khách bốn phương thì đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thị xã Sa Pa phải hủy bỏ các chương trình, sự kiện du lịch lớn; các khách sạn, nhà hàng đóng cửa, khiến hoa ly “chết đứng” trên vườn vì không tiêu thụ được, chị Hà “mất trắng” khoảng 500 triệu đồng.
Hiện giờ, hơn 4 ha hoa ly, với đủ các lứa thu hoạch vào các thời điểm khác nhau đang lên xanh tốt, phủ kín cả thung lũng đẹp nhất Sa Pa. Chị Hà đang cùng với các lao động ở trang trại cắt hoa, bao giấy kính, đóng 350 cành hoa/thùng, đưa lên xe chuyên dụng chở về Hà Nội bán cho khách đặt mua. Chị cho biết, mỗi ngày trang trại xuất bán khoảng 10-12.000 cành hoa ly cho khách hàng, với giá dao động từ 10-26 nghìn đồng/cành; trong tháng 6 vừa rồi, trang trại đã xuất bán ra thị trường khoảng 30 vạn cành hoa ly, thu về hơn 600 triệu đồng, bù đắp cho phần thiệt hại do dịch dã gây ra trước đó.
“Làm nông nghiệp thời dịch COVID-19 rất khó nhưng không phải bế tắc hoàn toàn, mình phải tính toán, nắm bắt thị trường, có “bí quyết” để ứng phó thì vẫn làm ăn được” - chị Hà chia sẻ. “Vậy chị làm cách nào để “làm ăn” trong điều kiện dịch dã như vậy?”. Chị Hà bộc bạch: “Chúng tôi tìm cách nuôi giữ và sử dụng củ giống F2 tại chỗ, không phải mua củ giống F1 mới, để giảm tiền đầu vào và chủ động thời vụ theo biến động thị trường, vì hoa ly ở Sa Pa có thể trồng quanh năm, thời gian thu hoạch ngắn, đó là lợi thế lớn của vùng khí hậu ôn đới này”; nên dù giá xuống thấp thì vẫn duy trì và phát triển sản xuất bình thường, bảo đảm việc làm, thu nhập và đời sống của gia đình và hàng chục lao động địa phương làm việc tại đây.
Đóng gói hoa ly để xe chuyên dụng vận chuyển về các thành phố lớn tiêu thụ.
Ở Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Đào, hiện đang có hơn 150 ha su su, gần 300 hộ tham gia trồng su su, với sản lượng vụ hè thu này là khoảng 9.000 tấn quả. Nhờ liên kết chặt chẽ, điều chỉnh chăm bón, cho lên giàn chậm hơn, giãn cách các lứa thu hoạch, tiếp nối cung ứng nhanh cho các bếp ăn tại khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên ngay sau khi dịch bị thu hẹp, các nhà máy đi vào sản xuất theo phương châm “ba tại chỗ” nên đã dần ổn định đầu ra, với giá bán tăng dần theo nhu cầu thị trường.
Chị Đỗ Thị Liên, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, cái chính là đoàn kết, thích ứng nhanh và bảo đảm sản xuất theo phương châm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong điều kiện dịch dã như hiện nay. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã Hoa Đào đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 6.000 tấn quả su su, đem về hàng tỷ đồng cho nông dân địa phương.
Vận chuyển các khay củ giống hoa ly đã lên mầm đạt tiêu chuẩn để trồng vụ mới.
Bên cạnh nỗ lực nội sinh của người nông dân, các hợp tác xã, chủ trang trại, chính quyền thị xã Sa Pa luôn sát cánh với nông dân; tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn vay, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, mở luồng xanh cho vận tải nông sản.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa cho biết, ngoài việc giữ các kênh thị trường truyền thống, cần phải có thêm những kênh thị trường mới; phát triển bán nông sản Sa Pa trên các kênh thương mại điện tử. Thị xã cũng đề nghị các ngân hàng ở địa phương xem xét, có cơ chế lùi thời hạn trả nợ, miễn hoặc giảm lãi, phí đối với các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã vay vốn sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ để họ được tiếp cận với các khoản vay ưu đãi nhằm giảm thấp nhất những thiệt hại, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa.