Nông dân vào vụ thu hoạch lúa đông xuân

24/02/2025 - 07:20

 - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân trở lại công việc đồng áng. Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tất bật thu hoạch vụ lúa đông xuân. Thời tiết không thuận lợi, sâu hại và dịch bệnh ảnh hưởng năng suất. Ngoài ra, giá lúa không cao khiến nông dân kém vui trong vụ lúa quan trọng của năm.

Những ngày này, không khí thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động. Dưới ruộng, máy gặt đập liên hợp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tại bờ kênh, bờ đê, đường quê... người dân tụ tập cân lúa bán cho thương lái, tạo nên bầu không khí nhộn nhịp. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân chưa được trọn vẹn. Theo ghi nhận, giá lúa thời điểm này thấp hơn năm trước. Anh Hoàng Vũ (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) cho biết, giá lúa IR50404 chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, năng suất lúa chỉ 800 - 900kg/công. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 2 triệu đồng/công.

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu giảm mạnh như hiện nay do Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines (những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam) tự chủ lương thực, nhu cầu nhập khẩu gạo giảm…

Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân xuống giống theo lịch thời vụ, chủ động phòng ngừa dịch hại. Bên cạnh đó, vận động nông dân ứng dụng biện pháp kỹ thuật canh tác theo nguyên tắc “4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, sớm phát hiện sâu bệnh, từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa, điều trị hợp lý.

Nông dân nhiều địa phương tất bật thu hoạch lúa đông xuân

Vụ này, toàn huyện Tri Tôn xuống giống trên 42.000ha. Đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ghi nhận 1.644ha lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh (sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy phấn trắng, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, muỗi hành, lem lép hạt, cháy bìa lá) mức độ nhẹ. Ông Nguyễn Văn Dũng (khóm Huệ Đức, thị trấn Cô Tô) canh tác 15ha, giống lúa OM18, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, lượng giống 80kg/ha, lượng phân 200kg/ha. Ngoài ra, ông còn sử dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân… Ông Dũng cho biết, đang ứng dụng đồng bộ quy trình canh tác theo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Hiện nay, lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo.

Để đảm bảo “ăn chắc” trong vụ này, nhân chuyến thăm đồng tại thị trấn Cô Tô và xã Tân Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Văn Cường đề nghị địa phương, cán bộ nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ năng suất. Trong đó, cần tập trung vào các đối tượng gây hại, như: Muỗi hành, bệnh đạo ôn, rầy nâu… Bên cạnh đó, địa phương cần kịp thời thông tin tình hình sinh vật gây hại; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời; không phun thuốc bảo vệ thực vật khi chưa cần thiết. Đồng thời, tiếp tục vận động nông dân nhân rộng mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; có kế hoạch chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn…

TP. Long Xuyên xuống giống trên 4.700ha (đạt gần 99% kế hoạch xuống giống). Lúa hiện đang ở các giai đoạn đẻ nhánh, chín; một số trà lúa đang vào vụ thu hoạch. Theo khảo sát, do đây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, nông dân lựa chọn giống chất lượng cao, được doanh nghiệp thu mua, như: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18… để canh tác. Hiện, giá lúa thường khoảng 5.300 đồng/kg và lúa chất lượng cao 6.100 - 6.300 đồng/kg.

Mặc dù giá lúa không cao như thời điểm trước, nhưng với mức giá này thì người trồng lúa vẫn có lãi. Nông dân hy vọng thời gian tới, giá lúa tăng lên để họ có thêm thu nhập, yên tâm canh tác cho vụ sau…

MINH ĐỨC