Nông dân xã An Hòa thi đua phát triển kinh tế

18/10/2019 - 09:08

Thời gian qua, nông dân (ND) xã An Hòa (Châu Thành) đã nỗ lực thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi và đoàn kết giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình trồng nấm của hội viên nông dân xã An Hòa

Theo Hội ND xã An Hòa, phong trào ND thi đua SXKD giỏi đã thực sự có bước phát triển mới toàn diện và sâu sắc. Qua phát động phong trào, các chi hội, tổ hội, câu lạc bộ ND, tổ hợp tác sản xuất và hội viên ND tham gia hưởng ứng tích cực, hăng hái thi đua lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi ngành, nghề lao động tại địa phương nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẳn có, mạnh dạn đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nông sản, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị hàng hóa cao, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống của chính người ND và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự ở khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, đã có 1.327 lượt hộ ND SXKD giỏi được công nhận ở 3 cấp, trong đó có 2 tập thể và 1.006 cá nhân ND SXKD giỏi được UBND các cấp tặng bằng khen và giấy khen.

Nét nổi bật của phong trào ND SXKD là Hội ND xã đã quản lý tốt các nguồn vốn vay ủy thác, triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên có nguồn vốn phát triển sản xuất, qua đó đã giúp 36 hộ ND vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Tây (Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Bình An 2) cho biết, nhằm giúp hội viên ND có thêm nguồn vốn sản xuất, Hội ND xã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giao cho chi hội thành lập và quản lý 8 tổ tiết kiệm vay vốn. Đến nay, chi hội đã tạo điều kiện để 482 hộ ND được vay vốn sản xuất, với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, chi hội còn chủ động thành lập các tổ hợp tác sản xuất lúa giống, làm lọp tôm và trồng nấm bào ngư, nuôi heo... từ nhu cầu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của bà con ND trong địa bàn, góp phần phát triển kinh tế của các gia đình ND. “Hội viên ND được hỗ trợ vốn đều chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo, không những hạn chế được tình trạng vi phạm các tệ nạn xã hội mà còn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần về nhiều mặt” - ông Tây chia sẻ.

Hội ND xã An Hòa còn phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức được 340 cuộc hội thảo với 1.050 lượt hội viên ND tham dự, với nhiều nội dung đa dạng và phong phú như: chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; cách sử dụng thuốc trừ sâu hiệu quả và sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách); cách phòng trị một số bệnh phổ biến trên lúa, màu và cây ăn trái; chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”; kỹ thuật trồng rau an toàn; trồng nấm bào ngư, nấm rơm, sản xuất lúa giống; kỹ thuật chăn nuôi gia bò; kỹ thuật nuôi lươn, nuôi cá lóc... qua đó đã tạo được việc làm ổn định cho 540 lao động ở khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Xinh (ngụ ấp Bình An 1, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư) cho biết, tổ hợp tác trồng nấm bào ngư được thành lập từ năm 2009 và duy trì hoạt động đến nay. Lúc đầu chỉ có 5 hộ tham gia, mỗi hộ trồng từ 1.000-2.000 bịch phôi nấm, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng và nguồn vốn phục vụ sản xuất. Từ khi được Hội ND xã, huyện, Trạm Khuyến nông hỗ trợ mở các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, giới thiệu những cơ sở sản xuất phôi nấm có chất lượng giống tốt, hỗ trợ và giới thiệu nông dân vay vốn mỗi hộ từ 10-30 triệu đồng để mở rộng mô hình đã góp phần đáng kể cải thiện kinh tế gia đình.

“Hiện nay, Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư của chúng tôi có 10 thành viên tham gia, mỗi hộ trồng từ 2.000-5.000 bịch phôi, mỗi chu kỳ sản xuất từ 3-4 tháng, sản lượng tiêu thụ ổn định, có đầu mối thu mua tận nhà với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg. Trung bình hộ nào trồng 5.000 bịch phôi, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 21 triệu đồng”.

TRỌNG TÍN